Nghị định 13 của Chính phủ vừa có hiệu lực từ ngày 20/3/2019, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Điều 58 của Luật Khoa học và công nghệ liên quan đến doanh nghiệp khoa học và công nghệ, trong đó có nhiều chính sách hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa kết quả khoa học và công nghệ, khuyến khích ứng dụng, đổi mới công nghệ. Đồng thời, sẽ giải quyết được những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp Khoa học & công nghệ thời gian qua, khuyến khích khu vực doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu thuộc mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội phát triển theo mô hình doanh nghiệp khoa học & công nghệ. Tuy nhiên, tại Vĩnh Phúc, đến thời điểm này chưa có doanh nghiệp Khoa học & công nghệ, hiện đang trong quá trình ươm tạo, hình thành.
Theo thạc sỹ Tạ Văn Sinh, Trưởng phòng Quản lý khoa học & công nghệ cơ sở, Sở Khoa học & Công nghệ, thời gian qua, Vĩnh Phúc đã rất quan tâm đến hoạt động khoa học công nghệ, nhất là việc phát triển các doanh nghiệp khoa học & công nghệ. Năm 2012, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 825 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển khoa học & công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Với Quyết định này, mục tiêu đến năm 2020, Vĩnh Phúc sẽ hình thành và phát triển khoảng 20 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao thuộc danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển và khoảng 10 doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn chưa có doanh nghiệp khoa học & công nghệ nào. Lý giải về nguyên nhân, ông Sinh cho biết, chưa đánh giá được tác động từ đâu nhưng thực tế để có doanh nghiệp khoa học & công nghệ trên địa bàn tỉnh rất khó khăn.
Hiện tại, Sở Khoa học & Công nghệ đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học & công nghệ, phấn đấu hoàn thiện trong quý III/2019. Sở cũng đang triển khai ươm tạo, hình thành một số doanh nghiệp khoa học & công nghệ; phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh sẽ có 10 doanh nghiệp đi vào hoạt động.
Cũng theo ông Sinh, hiện có một vài doanh nghiệp đang trong quá trình ươm tạo như: Công ty TNHH Trịnh Năng, thành phố Phúc Yên; Công Ty TNHH Một Thành Viên Quế Lâm Phương Bắc, xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên; Công ty TNHH nấm Phùng Gia, xã Tam Hợp, huyện Bình Xuyên… Hiện Công ty TNHH Trịnh Năng đang hoàn thiện các quy trình để sản xuất chất siêu bán dẫn, dùng hoạt chất thiên nhiên sử dụng vào cục pin điện thoại; các thiết bị điện tử như: ô tô điện, xe máy điện với khả năng tích điện lớn. Sản phẩm này hiện đang rất cần trên thị trường và có giá trị cao. Hiện Công ty đã thành lập Trung tâm nghiên cứu phát triển tại thành phố Phúc Yên và đã được cấp bằng sáng chế khoa học. Công Ty TNHH Một Thành Viên Quế Lâm Phương Bắc, xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên đã xây dựng dây chuyền sản xuất mới, hiện đại với phương thức tự động hóa sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh. Hay Công ty TNHH nấm Phùng Gia, xã Tam Hợp, huyện Bình Xuyên đầu tư vài chục tỷ đồng đầu tư sản xuất nấm với số lượng lớn, sản xuất theo quy mô công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, hiện đang sản xuất khoảng 1 tấn mỗi ngày và đang có xu hướng mở rộng phát triển mô hình này.
Nghị định số 13 đã giảm bớt các điều kiện chứng nhận doanh nghiệp Khoa học & công nghệ không cần thiết, gây khó khăn cho doanh nghiệp như: đơn giản hóa việc chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp đối với kết quả khoa học & công nghệ bằng quy định doanh nghiệp có thể tự cam kết về quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với kết quả khoa học & công nghệ và có thể bị hủy bỏ hiệu lực giấy chứng nhận nếu bị cơ quan có thẩm quyền kết luận có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; thay vì phải giải trình về việc hoàn thành quá trình ươm tạo và làm chủ công nghệ từ kết quả khoa học & công nghệ mà chú trọng vào việc đánh giá tính ứng dụng của sản phẩm; khuyến khích doanh nghiệp có kết quả nghiên cứu thuộc mọi lĩnh vực khoa học & công nghệ đều có thể chứng nhận doanh nghiệp khoa học & công nghệ.
Điểm nổi bật của Nghị định này là các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp khoa học & công nghệ đồng bộ, thống nhất với pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, đầu tư, đất đai và tín dụng đầu tư. Như vậy về cơ bản các chính sách ưu đãi, hỗ trợ sẽ đảm bảo tính khả thi; từ đó tạo lập môi trường thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp khoa học & công nghệ phát triển.
Nguồn: http://sokhcn.vinhphuc.gov.vn/