Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (Đề án 844) ra đời đã thúc đẩy hoàn thiện môi trường pháp lý, nâng cao năng lực cho các chủ thể trong hệ sinh thái.

Hội thảo “Bàn giải pháp thu hút nguồn lực trong nước và quốc tế cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam” do các đơn vị tham gia Đề án 844 thực hiện.

Hỗ trợ cung cấp dịch vụ, hình thành mạng lưới liên kết hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo (KNST) và truyền thông hình thành văn hóa KNST.Đó là những chia sẻ của ông Phạm Dũng Nam, Giám đốc Văn phòng Đề án 844 (Bộ Khoa học và Công nghệ) với phóng viên TBTCVN.

PV: Mục tiêu Đề án 844 đặt ra là gì, thưa ông?

Ông Phạm Dũng Nam

Ông Phạm Dũng Nam: Mục tiêu của đề án đã được nêu rất rõ trong Quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đó là tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp (DN) KNST, là loại hình DN có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.

Cụ thể hơn, đề án đặt mục tiêu đến năm 2025 hỗ trợ được 800 dự án, 200 DN KNST, trong đó có 50 DN KNST gọi được vốn thành công từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập với tổng giá trị khoảng 2.000 tỷ đồng.

Để làm được điều này, chúng tôi hướng đến các hoạt động nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hỗ trợ KNST, tăng cường nâng cao năng lực và liên kết các thành phần của hệ sinh thái KNST, phát triển truyền thông hình thành văn hóa KNST cũng như thúc đẩy kết nối hệ sinh thái Việt Nam và quốc tế.

PV: Ông có thể cho biết kết quả nổi bật từ khi đề án ra đời đến nay?

Ông Phạm Dũng Nam: Sau 3 năm nỗ lực triển khai (kể từ năm 2016), Đề án 844 đã tích cực đề xuất, phối hợp với các cơ quan chức năng hình thành những hành lang pháp lý đặc thù đầu tiên cho cả hoạt động KNST và hoạt động đầu tư, hỗ trợ cho KNST, ví dụ như Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017, Luật Chuyển giao Công nghệ 2017 và các văn bản hướng dẫn liên quan về việc đăng ký, thành lập, hoạt động, ưu đãi thuế của quỹ đầu tư cho KNST, quy định về các hoạt động hỗ trợ từ phía nhà nước cho DN KNST… Đề án 844 cũng phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu, đề xuất Chính phủ chỉ đạo việc thực hiện các giải pháp đột phá nhằm tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc thu hút nguồn lực đầu tư trong nước, quốc tế cho KNST, như các cơ chế thử nghiệm chính sách, mô hình gọi vốn cộng đồng, cơ chế mua sắm công…

Từ phía Bộ Khoa học và Công nghệ, đã lựa chọn và đưa vào triển khai trên 60 nhiệm vụ nhằm phát triển toàn diện hệ sinh thái KNST Việt Nam thông qua các trụ cột: Hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực, tăng cường liên kết và truyền thông hình thành văn hóa. Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng đồng hành với cách làm đột phá hỗ trợ KNST, như TP. Hồ Chính Minh với chương trình SpeedUp hỗ trợ trực tiếp kinh phí cho các DN KNST.

Kết quả gián tiếp là, hệ sinh thái ở Việt Nam đã có sự gia tăng cả về chất và lượng. Về số lượng, có thể nhận thấy qua lượng hoạt động dày đặc của các sự kiện gặp gỡ, trao đổi, cuộc thi, tọa đàm, hội thảo trong suốt cả năm. Về chất lượng, mà cụ thể là số lượng vốn đầu tư, đã có sự phát triển liên tục từ năm 2016 tới nay, với con số cao nhất là 890 triệu USD năm 2018, cao gấp hơn 3 lần so với năm 2017. Sự phát triển này cho thấy, hệ sinh thái, môi trường KNST ở Việt Nam có sức hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư trong khu vực và trên thế giới.

Không chỉ vậy, các “gã khổng lồ” KNST thế giới đều lần lượt tham gia hoặc đang nghiên cứu để tham gia vào thị trường Việt Nam như: Uber, Grab, Amazon, Go-jek… tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của các sản phẩm, dịch vụ mới, kéo theo sự đổi mới, sáng tạo của các DN trong nước như: Đổi mới về dịch vụ của các DN taxi truyền thống, sự ra đời của các sản phẩm nội địa cạnh tranh: GoViet, FastGo… thậm chí, sinh ra những sản phẩm, dịch vụ hoàn toàn mới phù hợp với văn hóa bản địa, như gọi xe hai bánh công nghệ, giao hàng, đồ ăn trực tuyến…

PV: Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 844, gặp phải những khó khăn gì, thưa ông?

Ông Phạm Dũng Nam: Việc triển khai một đề án mới, hướng tới một đối tượng mới là DN KNST theo một cách thức hoàn toàn mới là xây dựng một hệ sinh thái xung quanh, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, đồng thời, cũng gặp nhiều thách thức.

Thách thức thứ nhất là, khái niệm KNST hoàn toàn mới, khác rất nhiều so với khởi sự kinh doanh hay lập nghiệp truyền thống. Do vậy, để tạo lập một hệ sinh thái, trước hết cần thiết phải tác động ở trên một diện rộng để nâng cao nhận thức về hoạt động này. Do vậy, cần thiết phải huy động nhiều nguồn lực để thực hiện, trong khi nguồn lực từ khu vực công tương đối hạn chế.

Thách thức thứ hai là, hành lang pháp lý của chúng ta hiện mới chỉ điều chỉnh đối với các mô hình DN truyền thống, cũng như hoạt động đầu tư truyền thống. Còn đối với KNST, với nhiều đặc thù cần thiết, nhiều ưu đãi, hỗ trợ cần thực hiện, thì còn một số vướng mắc. Ngay cả với hoạt động hỗ trợ, triển khai đề án thì cũng chỉ đang vận dụng theo những quy định hỗ trợ với nội dung và định mức chi còn khoảng cách khá lớn so với thực tiễn triển khai.

Vì vậy, để vượt qua những trở ngại nhằm tiếp tục phát triển hơn nữa hoạt động KNST, và trên hết là xây dựng một hệ sinh thái KNST thì cần sự chung tay, đồng lòng, phối hợp của các cơ quan chức năng, các cơ quan truyền thông, các chuyên gia trong nước, quốc tế, và đặc biệt là các bạn trẻ, chủ thể chính của hệ sinh thái với tinh thần KNST, đóng góp cho sự phát triển của kinh tế, xã hội một cách bền vững.

http://thoibaotaichinhvietnam.vn/