Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng cần tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển nhưng cũng phải nhìn ra các hạn chế như chủ nghĩa thân hữu, lợi ích nhóm…

Xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển là một trong những thành công nổi bật được ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, chỉ ra sau 2 năm triển khai Nghị quyết số 10-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đây cũng là khoảng thời gian đánh giá 2 năm thực hiện Nghị quyết 98 của Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thực tế trong 2 năm qua, kinh tế tư nhân đã phát triển nhanh chóng. Khu vực kinh tế tư nhân chiếm trên 40% GDP của nền kinh tế, giải quyết việc làm cho 83% số lao động trên 15 tuổi của cả nước.

Kinh tế tư nhân từng bước khẳng định vai trò quan trọng

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ 2016 mỗi năm có thêm hơn 100.000 doanh nghiệp thành lập mới. Hai năm 2017-2018 có 258.134 doanh nghiệp mới và 60.458 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động quay trở lại. Nguyên nhân được chỉ ra là nhờ môi trường kinh doanh được cải thiện.

Theo Ban Kinh tế Trung ương, sự phát triển vượt bậc của một số doanh nghiệp tư nhân lớn góp phần phát triển đất nước, nâng cao chất lượng, khả năng cung ứng sản phẩm, dịch vụ của các ngành kinh tế như xây dựng, chế biến, chế tạo, công nghiệp ôtô, vận tải hàng không, tài chính, ngân hàng…

Khu vực kinh tế tư nhân đang đóng góp 40% GDP của nền kinh tế, giải quyết việc làm cho 83,3% lao động từ 15 tuổi trở lên.

Xu hướng phát triển các mô hình kinh doanh khởi nghiệp sáng tạo diễn ra sôi động; hiện có hơn 3.000 công ty khởi nghiệp sáng tạo (start-up), nhiều doanh nghiệp thành công, góp phần không nhỏ trong việc tạo dựng các thương hiệu Việt về công nghệ thông tin.

Khu vực kinh tế tư nhân đang đóng góp 40% GDP của nền kinh tế, giải quyết việc làm cho 83,3% lao động từ 15 tuổi trở lên, tương đương 45,2 triệu người.

Kinh tế tư nhân cũng đóng vai trò ngày càng quan trọng trong đầu tư phát triển và thương mại. Khu vực này huy động nguồn vốn lớn trong xã hội cho phát triển kinh tế. Trong 2 năm 2017-2018, số doanh nghiệp thành lập mới có tổng số vốn đăng ký là 2,77 triệu tỷ đồng (chưa bao gồm gần 4,28 triệu tỷ đồng vốn tăng thêm).

Khu vực kinh tế tư nhân cũng chiếm tỷ trọng 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và 34,8% tổng kim ngạch nhập khẩu. Con số này lớn gấp hơn 10 lần về xuất khẩu và gần 7 lần về nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp Nhà nước (không kể dầu thô).

Theo Ban Kinh tế Trung ương, đóng góp vào tăng thu ngân sách là tín hiệu cho thấy sự phát triển của kinh tế tư nhân đã phát huy vai trò đối với việc củng cố nền tài chính quốc gia.

Quyền tự do kinh doanh chưa được tôn trọng đầy đủ

Tuy nhiên, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng vẫn còn một số vấn đề đáng quan tâm cần tập trung xử lý trong thời gian tới để tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển. Môi trường kinh doanh của Việt Nam chưa thực sự thuận lợi, chưa được cải thiện vững chắc, thậm chí còn nhiều rào cản đối với kinh tế tư nhân.

Xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam đứng thứ 69/190 quốc gia, giảm 1 bậc so với năm 2018 và xếp thứ 5 trong các nước ASEAN. Thành lập doanh nghiệp đứng thứ 104/190 quốc gia với 8 thủ tục và mất 17 ngày để hoàn tất thủ tục.

Theo Ban Kinh tế Trung ương, một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân chưa thực sự phát huy hiệu quả.

“Thực trạng trên cho thấy 2 vấn đề dẫn đến xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam chậm được cải thiện, thậm chí chững lại. Một là, hiệu quả cải cách còn thấp hơn nhiều quốc gia. Hai là, hiệu quả triển khai các chính sách còn hạn chế”, báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương nhận định.

Hiện, một số quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, còn những điểm không thống nhất giữa Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu… hoặc chưa phù hợp với thực tiễn, việc triển khai một số chính sách còn chậm.

Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân chưa thực sự phát huy hiệu quả. Các hoạt động hỗ trợ vẫn chậm được triển khai, mang tính manh mún và hiệu quả chưa cao; thiếu cơ chế giám sát, đánh giá đối với các chính sách hỗ trợ.

Các nhà đầu tư chưa thực sự an tâm đầu tư lâu dài vào sản xuất kinh doanh do nhiều yếu tố. Điển hình như gánh nặng chi phí và thời gian trong tuân thủ pháp luật, rủi ro pháp lý cao. Ngoài ra còn độ an toàn trong kinh doanh, mức độ bảo vệ quyền tài sản…

Quyền tự do kinh doanh chưa được tôn trọng đầy đủ. Vẫn còn tình trạng phân biệt đối xử trên thực tế trong tiếp cận nguồn lực, ưu đãi đầu tư giữa khu vực kinh tế tư nhân và khu vực doanh nghiệp nhà nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Tạo điều kiện để tư nhân tiếp cận các nguồn lực

Theo Ban Kinh tế Trung ương, kết quả đạt được bước đầu năm 2017-2018 về phát triển kinh tế tư nhân khẳng định Nghị quyết số 10 đang dần đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững hơn ở nước ta.

Tuy nhiên, những kết quả đạt được nêu trên mới chỉ là bước đầu. Nhiều hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế tư nhân chưa được khắc phục; nhiều nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 10 chưa được triển khai quyết liệt, đồng bộ và chưa mang lại sự chuyển biến, hiệu quả rõ rệt trên thực tế.

“Nếu không triển khai quyết liệt, đồng bộ thì một số mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân đến năm 2020 khó đạt được, nhất là mục tiêu đạt được ít nhất 1 triệu doanh nghiệp”, Ban Kinh tế Trung ương nhận định.

Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, một mặt phải xác định rõ vai trò của kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng trong nền kinh tế thị trường nhưng chúng ta cũng phải thấy được những mặt trái. Từ đó có giải pháp phát huy mặt tích cực, cũng hạn chế được mặt tiêu cực.

“Cần tránh nhất là những biểu hiện mà chúng ta thấy khá phổ biến trong thời gian qua như chủ nghĩa tư bản thân hữu, như lợi ích nhóm, thao túng chính sách, cạnh tranh không bình đẳng để trục lợi”, ông Bình nói.

Ông nhấn mạnh Nhà nước đóng vai trò định hướng, hoàn thiện thể chế kinh tế, còn thị trường đóng vai trò chủ yếu trong việc giải phóng sức sản xuất, trong việc huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển.

“Chúng ta phải tạo điều kiện để tư nhân tiếp cận các nguồn lực để phát triển, đặc biệt là nguồn lực đất đai, nguồn vốn, lao động, tiếp cận khoa học công nghệ. Đó là nội dung cụ thể trong tạo dựng môi trường thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển”, ông nói.

                                                                                                           Nguồn: news.zing.vn/