Ông Eric Sidgwick – Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn nữa cho công nghệ và đổi mới công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp
Việt Nam dần trở thành điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp khởi nghiệp
Ông Nguyễn Xuân Thành (Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright) cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh trong 20 năm qua, tuy nhiên về “chất lượng phát triển” lại chưa làm được như Hàn Quốc. Chặng đường này có thể kéo dài thêm từ 30 đến 50 năm nữa nhưng nhờ doanh nghiệp công nghệ, Việt Nam có thể làm được.
Ông dẫn chứng một số quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ chỉ đi trước Việt Nam một thời gian ngắn nhưng đã sớm trở thành cường quốc về công nghệ của thế giới. Ngoài Singapore, Indonesia thì Việt Nam cũng là đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp khởi nghiệp nhờ chính sách ưu tiên của Chính phủ.
Trong vòng 10 năm qua, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam về giá trị đã chiếm trên 15% GDP và gấp đôi tốc độ tăng trưởng chung toàn nền kinh tế. “Các doanh nghiệp công nghệ có thể giúp các nước gia tăng đáng kể tốc độ phát triển kinh tế”, ông Nguyễn Xuân Thành nói.
Ngoài hiệu quả kinh tế, ông cho rằng nền công nghiệp công nghệ có thể tăng đáng kể năng suất lao động nhưng cùng lúc đó, số lượng nhân lực làm việc trong các ngành nghề sẽ giảm mạnh.
Hiện nay, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ có giá trị trên một tỷ đôla Mỹ ở châu Á mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điều nay đặt ra yêu cầu cho các quốc gia là cần có chính sách phù hợp hơn. Ông Nguyễn Xuân Thành đưa ra kiến nghị cần hội tụ những doanh nghiệp ở các ngành nghề nòng cốt, tập trung ở cùng vị trí địa lý và hoạt động dưới cơ chế chung. Vai trò của Nhà nước là hỗ trợ cho những “cụm doanh nghiệp” này.
Các nhân tố cần cải thiện hơn để thúc đẩy đổi doanh nghiệp phát triển là nhân lực, cơ sở hạ tầng, công nghệ mới, thị trường, bối cảnh, môi trường cạnh tranh và khung pháp lý hỗ trợ. Trong đó ông Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh về khâu đào tạo nguồn lực chất lượng cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin.
Ông Eric Sidgwick – Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam. Ảnh: VNE
Thúc đẩy kinh tế số, hỗ trợ tích cực hệ sinh thái khởi nghiệp
Nói về khả năng tận dụng nền kinh tế số để đưa Việt Nam thành nước có thu nhập cao hơn, ông Eric Sidgwick – Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cho rằng, hiện nay còn quá sớm để nói Việt Nam có bị mắc bẫy thu nhập trung bình hay không nhưng cần có chính sách để tạo thu nhập cao hơn, tăng năng suất lao động.
Theo ông, nền kinh tế số cần sử dụng công năng để nâng cao hiệu năng sản xuất. Đó là các hoạt động kinh tế sử dụng thông tin đã được số hóa, ứng dụng công nghệ 4.0. Cách mạng 4.0 sẽ ảnh hưởng đến tương lai của ngành sản xuất toàn cầu.
Ông cho biết, 3 đối tượng thụ hưởng chính trong nền kinh tế số là công dân, doanh nghiệp và Chính phủ. Khảo sát về tính sẵn sàng cho cách mạng công nghệ 4.0, đại diện ADB tại Việt Nam chỉ ra, Việt Nam còn khá non trẻ với mức xếp hạng 4.9, đứng sau nhiều nước như Indonesia, Idia, Thailand, Singapore…
“Điểm đáng mừng là Việt Nam đang có sự chuyển dịch, hướng đến nhóm các nước trong nhóm sẵn sàng đón đầu kinh tế số”, ông nói.
Cụ thể, Việt Nam đạt mức tương đối tốt so với 100 quốc gia được đánh giá theo 59 tiêu chí, xếp hạng thấp nhất của Việt Nam rơi vào lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực.
Theo ông Eric Sidgwick, để nâng cao tính sẵn sàng cho kinh tế số, Việt Nam cần đầu tư vào công nghệ, đầu tư chất lượng giáo dục và kỹ năng, đồng thời tạo hệ sinh thái công nghệ starup thuận lợi, tạo môi trường bình đẳng để các doanh nghiệp phát triển. Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn nữa cho công nghệ và đổi mới công nghệ.
ABD cũng có một số chương trình hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp tại TP HCM và Đà Nẵng như Sáng kiến kinh doanh khu vực Mê Kông – một hình thức tư vấn chính sách để tăng cường phát triển khu vực tư nhân của các nước tiểu vùng sông Mê Kông; Quỹ mạo hiểm ADB – Mục tiêu triển khai và tăng cường tác động của công nghệ và mô hình kinh doanh ở các nước thành viên đang phát triển của ADB; Hội thảo khởi nghiệp công nghệ ADB cho các nước thành viên đang phát triển – Cho chính phủ các nước thành viên ADB để tìm hiểu học hỏi về lãnh đạo hệ thống khởi nghiệp.
Ngoài ra, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm hệ sinh thái khởi nghiệp của Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia. Cùng với đó Chính phủ cũng cần có những phương án hỗ trợ tốt cho hệ sinh thái này, đưa ra sáng kiến về Chính phủ điện tử của riêng mình, bảo vệ doanh nghiệp chống lại các rủi ro, xử lý thách thức, đe doạ của nền tàng công nghệ xâm lấn hay quan ngại về tính bảo mật riêng tư đối với việc kiểm soát và quản lý đã được số hoá.
Nguồn: http://vietq.vn/