Đà Nẵng vừa ban hành quyết định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đổi mới công nghệ trên địa bàn thành phố. Trong đó, mở rộng phạm vi, đối tượng được thụ hưởng chính sách, “nới lỏng” các điều kiện để doanh nghiệp có nhiều hơn cơ hội đổi mới khoa học công nghệ.
Đà Nẵng tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp thông qua các chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ
Theo đó, doanh nghiệp có thể được hỗ trợ đổi mới công nghệ lên đến 3 tỷ đồng/năm/doanh nghiệp. Đối tượng thuộc diện được hỗ trợ gồm các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ và thương mại trên địa bàn thành phố (bao gồm cả HTX, không gồm các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) có hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới, cải tiến công nghệ; Các tổ chức thực hiện hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN).
Các doanh nghiệp được ưu tiên xem xét hỗ trợ khi có một hoặc nhiều các điều kiện gồm tham gia sản xuất sản phẩm chủ lực của thành phố; sản xuất hàng xuất khẩu, các mặt hàng thuộc các lĩnh vực được thành phố ưu tiên phát triển; doanh nghiệp có trích lập quỹ phát triển KH&CN; doanh nghiệp đạt giải thưởng Chất lượng Việt Nam; doanh nghiệp không vi phạm các quy định của pháp luật về môi trường; thực hiện tốt các hoạt động xã hội; DN có hoạt động chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của Chính phủ.
Mỗi doanh nghiệp được hỗ trợ tối đa 2 dự án để mua thiết bị công nghệ có chứa hàm lượng công nghệ. Trong đó, đối với thiết bị có chứa hàm lượng công nghệ cao doanh nghiệp có thể được hỗ trợ đến 30% chi phí; và được hỗ trợ đến 15% chi phí mua thiết bị công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.
Doanh nghiệp, đơn vị được hỗ trợ đến 70% chi phí thực hiện nghiên cứu tạo công nghệ; ươm tạo công nghệ; thiết kế chế tạo thiết bị công nghệ có hàm chứa công nghệ mới, tiên tiến, công nghệ cao; cải tiến công nghệ; đổi mới công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng, giảm tác động môi trường; nghiên cứu giải mã công nghệ…
Đặc biệt, đối với những doanh nghiệp được chứng nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ sẽ được ưu tiên hỗ trợ tối đa 3 dự án/công ty (doanh nghiệp khác tối đa 2 dự án) và hỗ trợ cao hơn so với các doanh nghiệp khác 5%.
Năm 2018, TP. Đà Nẵng đã dành hơn 275 tỷ đồng cho các hoạt động nghiên cứu, đầu tư phát triển khoa học công nghệ. 15 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã được thụ hưởng những chính sách hỗ trợ về khoa học công nghệ với tổng kinh phí hỗ trợ gần 2,4 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ 5 doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ với kinh phí hơn 1,8 tỷ đồng; hỗ trợ 10 doanh nghiệp nhỏ và vừa xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý tiêu chuẩn và chứng nhận hợp chuẩn sản phẩm, từ đó, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa với tổng kinh phí hơn 510 triệu đồng.
Theo: congthuong.vn