Khi nghiên cứu thành công quy trình nhân giống cây lan kim tuyến bằng công nghệ invitro, Công ty Biopharm Hòa Bình tiếp tục nghiên cứu quy trình nhân giống các loại cây dược liệu quý khác. Đến nay, công ty đã làm chủ hơn 20 quy trình công nghệ nhân giống và nuôi trồng cây dược liệu quý như: lan Thạch hộc bản địa Hòa Bình, ba kích tím, cà gai leo, sâm cau, giảo cổ lam, đinh lăng, khôi tía, nưa Konjac, thông đất, nhân sâm, thành ngạch, bình vôi, hoài sơn, hoàng tinh đỏ, sói rừng…
Bà Đặng Thị Phương Hảo, Giám đốc Công ty CP Biopharm Hòa Bình kiểm tra đóng gói đông trùng hạ thảo khô để chuyển đến các công ty dược liệu.
Sau khi nghiên cứu, thực nghiệm tốt quy trình công nghệ mới, công ty hoàn thiện hồ sơ gửi Sở KH&CN thành lập hội đồng khoa học đánh giá thẩm định số lượng, chất lượng và đã đạt yêu cầu cấp giấy chứng nhận sản phẩm KH&CN. Ngày 10/4/2014, côngty được Sở KH&CN cấp Giấy chứng nhận số 01/DNKHCN công nhận là doanh nghiệp KH&CN. Đây là doanh nghiệp KH&CN đầu tiên của tỉnh.Theo quy định mới của Luật KH&CN, chỉ những quy trình công nghệ được cấp giấy chứng nhận mới được phép chuyển giao.
Với chất lượng vượt trội từ công nghệ mới, nhiều đơn vị, tổ chức trong và ngoài tỉnh biết đến công ty và đặt hàng chuyển giao quy trình. Công ty đã chuyển giao quy trình công nghệ nhân giống và nuôi trồng cây lan Thạch hộc, ba kích tím, cà gai leo, nưa Konjac, lan gấm, sâm cau, giảo cổ lam, đương quy, đinh lăng lá nhỏ… cho một số đơn vị như: Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN thuộc Sở KH&CN tỉnh Lạng Sơn; Vườn Quốc gia Cát Bà; Ban quản lýDự án giảm nghèo huyện Yên Thủy, Tân Lạc; Công ty dược liệu Vân Hồ, tỉnh Sơn La; HTX Linh Dược Sơn… Các đơn vị, tổ chức áp dụng quy trình chuyển giao phản hồi tốt, đạt hiệu quả trong sản xuất, tiêu thụ, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo.
Đơn cử, công ty là đối tác liên kết chuyển giao quy trình công nghệ nuôi trồng cây cà gai leo và tiêu thụ sản phẩm với Ban quản lýDự án giảm nghèo huyện Yên Thủy. Các xã Đa Phúc, Bảo Hiệu, Lạc Sỹ, Hữu Lợi đã trồng được vùng dược liệu cà gai leo hơn 50 ha, đem lại thu nhập đáng kể, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo. Bà con sau đó đã nhân giống và phát triển thành vùng dược liệu với diện tích hơn 400 ha. Sản phẩm trà cà gai leo ngày càng được người tiêu dùng biết đến. Giá trị lâu dài từ kết quả nghiên cứu của công ty đem lại cho cộng đồng và các tổ chức, đơn vị khác rất lớn. Phát triển kinh tế từ trồng cây dược liệu trong tỉnh thời gian qua cho thấy tính hiệu quả và phù hợp với điều kiện, tiềm năng.
Đáng chú ý, tháng 5/2015, sau gần 1 năm rưỡi nghiên cứu, thực nghiệm, công ty đã “bẻ khoá” được quy trình nhân giống, nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo trên chất hữu cơ bằng công nghệ invitro từ giống gốc chất lượng ngoài tự nhiên. Các thao tác, điều kiện, yêu cầu cụ thể của từng giai đoạn đã được bà Hảo giải mã và thực nghiệm thành công sau nhiều lần thất bại, phải đổ bỏ. Công ty đã thực hiện nuôi trồng giống nấm này. Sở hữu công nghệ trong tay, công ty đầu tư bài bản khu nhân giống, nuôi trồng.
Thăm khu nhân giống, nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo, chúng tôi được bà Hảo giới thiệu: Để tạo ra được sản phẩm chất lượng, đảm bảo các yếu tố như ngoài môi trường thật phải tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật ở tất cả các bước.Khi nuôi trồng đông trùng hạ thảo thành công, công ty thường xuyên đem mẫu đi kiểm tra hoạt chất ở các viện, trung tâm phân tích thuộc Bộ Y tế. Kết quả hoạt chất ổn định và cao hơn so với dược điển. Để chứng minh sản phẩm có tác dụng tốt thực sự hay không, năm 2015, công ty chi hơn 300 triệu đồng để ký hợp đồng với trường Đại học Y Hà Nội, Bộ môn dược lý nghiên cứu về tác dụng trên chức năng sinh sản của cao mềm đông trùng hạ thảo và kết quả có tác dụng tốt. Mỗi năm, công ty nuôi trồng vài trăm kg nấm đông trùng tươi phục vụ nguồn nguyên liệu sản xuất thuốc và thực phẩm chức năng cho một số công ty dượcuy tín trong nước.
Khi đã “bẻ khóa” được công nghệ nhân giống ra thị trường, giá của sản phẩm giảm đến hàng trăm lần, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của doanh nghiệp nhưng đem lại lợi ích cho cộng đồng. Tin tưởng quy trình nhân giống, nuôi trồng đông trùng hạ thảo công ty nghiên cứu được, Công ty CP Traphaco Sapa đã đặt hàng chuyển giao công nghệ từ năm 2017 – 2019.
Phó giám đốc Sở KH&CN Bùi Văn Chủm đánh giá: Kết quả nghiên cứu của công ty là bước đột phá, đóng góp tích cực cho sự phát triển KH&CN của tỉnh và khẳng định uy tín ra cả ngoài tỉnh. Công ty đã kết nối được giữa thành quả nghiên cứu khoa học với thực tiễn, khẳng định sự thành công trong lĩnh vực khoa học ứng dụng. Một số quy trình công nghệ công ty nghiên cứu được áp dụng tại tỉnh đem lại hiệu quả thiết thực.
Trong tỉnh hiện có 3 đơn vị có phòng nuôi cấy mô nhưng ngành chức năng đánh giá phòng nuôi cấy mô của công ty vẫn tốt nhất. Bản sắc của doanh nghiệp chính là sự tự chủ, sáng tạo, tiên phong và đặc biệt là cái tâm, bởi đây là dược liệu, sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Với cách làm khoa học, bài bản, trí tuệ và tâm đối với đối tác, khách hàng, công ty từng bước khẳng định được uy tín, doanh thu đạt khoảng 5 tỷđồng/năm, tạo việc làm cho 6 công nhân kỹ thuật cao, 6 lao động phổ thông và 30 lao động thời vụ. Bà Hảo chính là người “thuyền trưởng” vừa trực tiếp nghiên cứu vừa quản lý. Nếu các chuyên gia ngành dược như tiến sỹ khoa học Trần Công Khánh cách đây 5 năm còn cho rằng bà Hảo viển vông thì năm 2018 khi quay trở lại đã chúc mừng vì đi đúng hướng với bản lĩnh, sự táo bạo.
“Công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, nâng cấp các quy trình, làm chủ hơn nữa công nghệ để tạo ra các sản phẩm chất lượng cao nhằm nâng cao sức khỏe cộng đồng, giá trị kinh tế của các loài thảo dược, góp phần bảo tồn và xây dựng nguồn dược liệu xanh Việt Nam. Liên kết để nuôi trồng, sản xuất sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, xây dựng thương hiệu cũng là hướng đi.” – Bà Hảo chia sẻ dự định trong thời gian tới của công ty.
Theo: baohoabinh.com.vn