Với mục tiêu phát huy những lợi thế của Thủ đô trong phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả của các hoạt động khoa học và công nghệ, lĩnh vực phát triển doanh nghiệp khoa học – công nghệ của thành phố đã có những bước chuyển đáng chú ý. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Lê Ngọc Anh xung quanh vấn đề này.
Một buổi tọa đàm phát triển khoa học – công nghệ thông qua kết nối với doanh nghiệp tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Ngọc Tùng
– Trước tiên, ông có thể cho biết khái quát về tình hình phát triển cũng như một vài nhận xét về các doanh nghiệp khoa học – công nghệ Hà Nội?
– Hiện số lượng doanh nghiệp khoa học – công nghệ Hà Nội đứng thứ 2 cả nước với 47 doanh nghiệp. Hà Nội là một trong những địa phương thực hiện sớm nhất hoạt động chứng nhận doanh nghiệp khoa học – công nghệ. Từ năm 2010 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã thẩm định hồ sơ và cấp giấy chứng nhận cho 48 doanh nghiệp, tư vấn, hướng dẫn cho hơn 20 doanh nghiệp khác có tiềm năng trở thành doanh nghiệp khoa học – công nghệ. Lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp này khá đa dạng, mang tính chủ lực, trọng điểm, có tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực khác.
Các doanh nghiệp khoa học – công nghệ Hà Nội nhìn chung đều rất có ý thức về vai trò của khoa học – công nghệ trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và có sự quan tâm thích đáng đến công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; có tinh thần đam mê, ý thức được tầm quan trọng của việc xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các kết quả khoa học – công nghệ và sản phẩm được tạo ra. Họ cũng am hiểu thị trường và đi vào chuỗi giá trị của thị trường trong nước. Một số doanh nghiệp đã xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài, cung cấp sản phẩm cho dự án đầu tư công.
– Những yếu tố thuận lợi nào đã góp phần tạo nên những kết quả trên, thưa ông?
– Hà Nội là nơi tập trung tiềm lực khoa học – công nghệ mạnh nhất cả nước với nhiều nhà khoa học có tinh thần doanh nghiệp. Xác định khoa học – công nghệ là động lực của phát triển, các doanh nghiệp này đã chủ động đầu tư, nghiên cứu, đổi mới công nghệ để đứng vững và phát triển trên thị trường bằng chính đôi chân của mình. Các nhà khoa học – doanh nhân này không cam chịu sản phẩm nước ngoài tràn vào, khi người Việt Nam có thể làm được và thể hiện lòng yêu nước theo cách của riêng mình là đầu tư tài chính, trí tuệ cho nghiên cứu và tìm cách thương mại hóa sản phẩm.
Bên cạnh đó, hoạt động phát triển doanh nghiệp khoa học – công nghệ nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo thành phố, sự triển khai công tác hiệu quả của Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Với đội ngũ cán bộ tâm huyết với nghề nghiệp, có kinh nghiệm thực tiễn về quản lý khoa học – công nghệ và thực sự cầu thị, các cán bộ được giao nhiệm vụ đã phát huy tiềm năng của mình và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
– Ông có thể cho biết, doanh nghiệp có được những thuận lợi gì sau khi được chứng nhận là doanh nghiệp khoa học – công nghệ?
– Được Sở Khoa học và Công nghệ thẩm định, chứng nhận là doanh nghiệp khoa học – công nghệ cho sản phẩm hàng hóa, đồng nghĩa sản phẩm đã được thẩm định, chứng nhận là bảo đảm chất lượng. Từ đó, sản phẩm công nghệ sẽ được nhiều chủ đầu tư tìm đến sử dụng, công nghệ được nhân rộng đến các tỉnh, thành phố khác. Doanh nghiệp được hưởng cơ chế ưu đãi áp dụng đối với doanh nghiệp khoa học – công nghệ, tạo tiền đề cho doanh nghiệp đầu tư đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất, dần từng bước tham gia nghiên cứu tạo ra sản phẩm mới, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Việc được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học – công nghệ cũng là cơ sở để doanh nghiệp đăng ký các dự án, đề tài, nhiệm vụ khoa học – công nghệ cấp bộ, cấp nhà nước. Thương hiệu doanh nghiệp khoa học – công nghệ không chỉ là động lực tinh thần quan trọng, mà còn tạo thuận lợi hơn trong giao dịch với các cơ quan thuế tại địa phương. Thương hiệu này tạo niềm tin ban đầu cho khách hàng, tạo động lực và thế cạnh tranh.
– Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành cũng thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế trong lĩnh vực này. Ông có thể nói rõ hơn về các nguyên nhân và phương hướng khắc phục?
– Phải thừa nhận là các cơ chế, chính sách phục vụ cho phát triển khoa học – công nghệ hiện nay còn chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao, còn thiếu các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Chưa thực sự huy động có hiệu quả các nguồn lực xã hội và doanh nghiệp đầu tư cho phát triển thị trường khoa học – công nghệ; số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm mới còn ít so với tổng số doanh nghiệp trên địa bàn.
Trong thời gian tới, ý thức được vai trò của khoa học – công nghệ trong việc tạo chuyển biến mạnh trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng kinh tế tri thức, việc phát triển doanh nghiệp khoa học – công nghệ được xác định là một trong các hoạt động trọng tâm của ngành. Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục chú trọng vào hoạt động chuyển giao, thẩm định, đánh giá trình độ công nghệ; hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu và đổi mới công nghệ, tổ chức cấp phép hoạt động cho các tổ chức, viện nghiên cứu, doanh nghiệp khoa học – công nghệ.
Đồng thời tổ chức điều tra, đánh giá trình độ công nghệ của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội sẽ tiếp tục tham mưu xây dựng kế hoạch chi tiết và các cơ chế, chính sách triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020” (UBND thành phố đã ban hành tại Quyết định số 4665/QĐ-UBND ngày 5-9-2018) và Đề án “Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội” sau khi được UBND thành phố ban hành.
– Trân trọng cảm ơn ông!
Theo: hanoimoi.com.vn