Anh Tiến Anh Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ xử lý nước TA khẳng định: “Đảm bảo chỉ chưa đầy nửa năm, sông Tô Lịch sẽ hồi sinh hoàn toàn”.

Đó là kỹ sư, doanh nhân Vũ Tiến Anh, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ xử lý nước TA – với công nghệ xử lý MET (Mechanical Energy Technologies – Công nghệ Năng lượng cơ học).

Chờ đợi 3 năm để được cấp bằng sáng chế

Anh Vũ Tiến Anh hẹn gặp phóng viên Infonet tại văn phòng Công ty TNHH Công nghệ xử lý nước TA (Công ty TA) và cũng là nhà riêng, trong một con ngõ nhỏ trên phố Tôn Đức Thắng, Đống Đa, Hà Nội.

Tại đây, vị Giám đốc sinh năm 1982 say sưa khoe với phóng viên về việc công nghệ xử lý nước MET của công ty vừa chính thức được Hội đồng khoa học của Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, và được Cục Sở hữu công nghiệp cấp bằng sáng chế độc quyền.

Thay vì chỉ nhận lắp đặt các công trình xử lý nước thải ở các doanh nghiệp tư nhân và các hộ dân như trong thời gian qua, công ty đã có đủ tư cách để làm các dự án xử lý nước thải cấp bộ, cấp nhà nước và cấp địa phương.

Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ xử lý nước TA Vũ Tiến Anh, người khởi nghiệp với hệ thống xử lý nước công nghệ MET.

Anh bảy tỏ, mong muốn trong tương lai gần có thể triển khai mô hình thí điểm xử lý nước đặt tại dòng sông Tô Lịch (Hà Nội). Đây cũng là mong muốn lớn nhất, đúng như tiêu chí của công ty là “hồi sinh những dòng sông bị ô nhiễm”.

“Ngay từ năm 2016 khi thành lập doanh nghiệp, tôi đã đặt máy thử nghiệm tại sông Tô Lịch, đoạn chảy qua cầu Mới – Nguyễn Trãi. Kết quả cho thấy công nghệ xử lý MET tỏ ra hiệu quả rõ rệt khi nước ban đầu nồng nặc mùi hôi thối đã trở nên trong vắt”.

“Tuy nhiên, suốt từ đó đến nay không một ai ghi nhận thành quả của doanh nghiệp, đi đến đâu người ta cũng dè bỉu, họ cho rằng hệ thống này quá đơn giản, quá thô sơ. Đến bây giờ, trong suy nghĩ của không chỉ những người ngoài ngành mà cả ở trong ngành, người ta vẫn cho rằng đã xử lý nước thải là phải có hóa chất.Họ cho rằng không thể xử lý được với công nghệ của chúng tôi”, anh Tiến Anh cho hay.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam thăm gian trưng bày công nghệ xử lý nước MET tại Triển lãm Công nghệ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, tháng 6/2019.

Với quan niệm máy móc phải hiện đại, phải có các thiết bị bơm nước, sục khí, nén khí, các quy trình xử lý bằng hóa chất và vi sinh đầy đủ, nhiều người cho rằng nếu không có đầy đủ những yếu tố trên sẽ không thể xử lý được nguồn nước ô nhiễm.

Theo anh Tiến Anh, nếu giải quyết bài toán sông Tô Lịch bằng công nghệ truyền thống thì chỉ có thể xử lý tập trung, không thể xử lý rải rác, nhưng lại không giải quyết triệt để. Còn với công nghệ MET của Công ty TA, vì ưu điểm nhỏ gọn nên có thể đặt rải rác dọc sông Tô Lịch, mỗi module sẽ được đặt ở một miệng cống, lấy nước ra khỏi cống và đưa thẳng lên máy lọc, nước sau xử lý sẽ đi thẳng xuống sông.

Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ xử lý nước TA khẳng định: “Đảm bảo chỉ chưa đầy nửa năm, sông Tô Lịch sẽ hồi sinh hoàn toàn”.

“Chúng tôi xử lý được từ gốc rồi thì còn đâu nước bẩn ra ngoài sông. Với lưu lượng nước ở sông Tô Lịch và với diện tích hai bên bờ sông, chắc chắn chỉ cần sử dụng 1/3 diện tích bờ sông là đủ để đặt máy mà không làm thay đổi bất cứ kết cấu gì của sông”.

Đặc biệt, với công nghệ MET, chi phí sẽ thấp nhất bởi vì tiết kiệm đến 90% điện năng tiêu thụ, tiết kiệm được 100% hóa chất, 100% vi sinh và tiết kiệm được 90% nhân công vận hành, cũng như tiết kiệm được chi phí đầu tư.

Nhìn bề ngoài, hệ thống lọc nước theo công nghệ MET của Công ty TA khá đơn giản nhưng lại rất khoa học.

Công nghệ xử lý này có nguyên lý hoạt động cơ bản gồm: Khi nước vào máy, đủ áp lực dòng nước chảy qua van hơi tự do vào khu vực phân tách, tại đây dòng nước bị phân tách thành các tia nhỏ, nước ở dạng phân tử được hòa trộn với oxy không khí tạo kết tủa dạng oxit kim loại lắng lại trên bề mặt cát, phần nước còn lại được thấm qua lớp vật liệu xuống đáy bể.

Dòng nước không bị đẩy ra ngoài tiếp tục được phân tách thành dạng bụi nước được xử lý yếm khí trong hệ thống. Dòng nước thấm xuống đáy bể được hút ngược trở lại hệ thống để xử lý nhờ áp lực dòng và áp suất nén do nước thấm.

Bên cạnh nguyên lý cơ học, hệ thống còn sử dụng một hỗn hợp chuyên biệt được tính toán riêng theo từng loại nước thải nhằm xử lý các thành phần ô nhiễm đặc trưng của loại nước thải đó.

Theo nguyên lý này, hệ thống cơ vẫn là chủ đạo, nhưng nó hình thành nên lõi lọc tự nhiên và vi sinh yếm khí, hình thành nên sự chia tách phân tử và tách các chất thải rắn, và vẫn hình thành nên hệ thống xử lý khí. Quá trình này mất từ 7-15 phút để có được nguồn nước sạch.

Thi công hệ thống xử lý nước tại một doanh nghiệp tư nhân do Công ty TA thực hiện.

Xử lý ô nhiễm các dòng sông chỉ là phần ngọn

Mặc dù các khách hàng hiện tại vẫn chủ yếu là các doanh nghiệp sản xuất, nhưng anh Vũ Tiến Anh vẫn đau đáu với tham vọng hồi sinh những dòng sông đã chết và coi đó là là trách nhiệm của mình cần phải đóng góp cho xã hội.

Tuy nhiên, để hồi sinh những dòng sông như sông Tô Lịch, sẽ phải xử lý từ cái gốc trước khi nước được đưa ra dòng sông. Nói cách khác là phải tập trung xử lý nước thải trong các khu đô thị, trong các nhà máy, trong các khu dân cư.

“Chỉ khi làm sạch được tất cả nguồn nước đó thì mới chính thức làm sạch được tất cả các dòng sông. Nếu không, việc xử lý nước ở các dòng sông chỉ là phần ngọn mà không giải quyết được triệt để vấn đề,” anh Vũ Tiến Anh nói.

Nếu không xử lý nước thải từ đầu nguồn, việc làm sạch sông Tô Lịch chỉ là phần thân và phần ngọn.

Tại Việt Nam, không thiếu các doanh nghiệp làm được việc xử lý nước thải, nhưng để tối ưu hóa việc xử lý nước thải thì ngay cả trên thế giới cũng rất ít doanh nghiệp có khả năng làm được, bởi tất cả đang đi theo lộ trình bắt buộc là sử dụng điện năng.

Đó là lý do vì sao TA đạt được các giải thưởng quốc tế như: Huy chương vàng và Huy chương vinh danh công nghệ xanh tốt nhất thế giới tại Nhật Bản, Đài Loan năm 2018; Giải vàng Sự kiện 2018 Japan Design, Idea & Invention Expo.

Ở trong nước, phải chờ đợi 3 năm TA mới được cấp bằng sáng chế, nhưng cứ ra nước ngoài là có giải thưởng.

“Doanh nghiệp tư nhân họ có suy nghĩ rất khác, họ luôn tìm tòi những cái mới, có hiệu quả tối ưu thì họ dùng. Rất may mắn là chúng tôi đã được những doanh nghiệp sản xuất lớn ủng hộ như xi măng Chinfon Hải Phòng, công ty nhựa Dismy, gỗ Bình Minh, gỗ Phúc Hưng, nước mắm Sơn Hải, Tân Việt Ý, Poshaco…”

Câu chuyện giữa phóng viên với vị doanh nhân trẻ tuổi bị rút ngắn hơn so với dự kiến vì cuộc gọi của một Tổng Giám đốc doanh nghiệp đang làm dự án nghỉ dưỡng lớn tại Sapa hẹn gặp để đàm phán hợp đồng. Vũ Tiến Anh cho biết, nếu đàm phán thành công, đây sẽ là hợp đồng lớn nhất của Công ty TA.

Hệ thống xử lý nước sạch MET lại vừa được Bộ KH&CN trao giải Sáng kiến đổi mới trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam tại Triển lãm Công nghệ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu.

“Điều may mắn là khi làm việc với Trung tâm Đối mới Sáng tạo Ứng phó với Biến đổi Khí hậu Việt Nam (VCIC), chúng tôi được hỗ trợ rất nhiều về thủ tục pháp lý để Bộ KH&CN đánh giá công nghệ của mình,” anh Vũ Tiến Anh nói. “Trước đây, khi chưa được Bộ KH&CN đánh giá, mỗi khi tiếp cận các doanh nghiệp hoặc địa phương, họ đều yêu cầu phải có kiểm định của cơ quan quản lý nhà nước. Nếu chưa có đánh giá sẽ rất khó khăn cho họ trong quá trình làm việc với các cơ quan nhà nước vì thủ tục yêu cầu phải có.”

Điều mong muốn của anh Tiến Anh là được các cơ quan nhà nước, trực tiếp là Bộ KH&CN hỗ trợ đẩy được “tảng đá” quá lớn là tâm lý nghi ngờ, khó đón nhận công nghệ mới.

Theo: infonet.vn