Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành vừa góp phần kiểm soát chặt việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, vừa tạo nên môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp đang có hoạt động sản xuất tại Việt Nam.
Cách đây không lâu, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg ngày 19/4/2019 quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành các quy định cụ thể về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền đã qua sử dụng nhằm hoàn thiện hơn nữa các quy định cũ đã được Bộ Khoa học và Công nghệ quy định tại Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN ngày 13/11/2015.
Nói về điểm mới của Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg so với Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN, ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ KH&CN) cho biết, việc xây dựng Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg là một trong những nội dung thực hiện triển khai Nghị định 69/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật quản lý ngoại thương với một số mục tiêu cơ bản.
Thứ nhất là tiếp tục quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu những máy móc, thiết bị dây chuyền công nghệ đã lạc hậu, không cho phép nhập khẩu vào Việt Nam, để tránh tình trạng biến Việt Nam thành ‘bãi rác công nghệ” như báo chí từng đề cập. Mục tiêu này đã được thực hiện một cách thông suốt kể từ thời điểm có Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN ngày 13/11/2015. Với Thông tư này, thời gian qua chúng ta đã kiểm soát chặt chẽ vấn đề nhập khẩu các máy móc, thiết bị, dây chuyển công nghệ kể trên.
Hai là, việc ban hành Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg góp phần tạo dựng môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt là hỗ trợ cho những nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có hoạt động sản xuất tại Việt Nam để họ có thể duy trì hoạt động sản xuất của mình. Và trong quá trình duy trì hoạt động sản xuất này chúng ta cũng có thể thấy rõ đã xuất hiện nhu cầu thực tiễn về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.
Trong đó, có trường hợp các loại máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ vẫn đáp ứng vấn đề an toàn, bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng, đem lại cho nhà đầu tư lợi ích kinh tế hợp pháp, hợp lý hơn so với việc sử dụng máy móc, thiết bị mới. Thậm chí trong một số trường hợp rất đặc biệt khác, việc sử dụng máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ cũ đã trở thành giải pháp không thể thay thế.
Ba là, trong thực tiễn nhiều năm qua, trong bối cảnh Chính phủ rất quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện tạo thuận lợi môi trường đầu tư kinh doanh, Việt Nam cũng nổi lên là một điểm đến tiềm năng của luồng dịch chuyển đầu tư (một số doanh nghiệp chuyển trụ sở, xây dựng nhà máy tại Việt Nam). Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg ra đời trong bối cảnh này cũng đã có những thay đổi, điều chỉnh để chúng ta có thể nắm bắt những xu hướng dịch chuyển đầu tư nói trên một cách tốt nhất.
Ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ KH&CN).
Ông Nguyễn Nam Hải cho biết, so với có Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN, Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp mới nhằm thực hiện hai nhiệm vụ chính song song là kiểm soát chặt việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ và tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
“Trước đây việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền đã qua sử dụng theo Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN thì chúng ta kiểm soát bằng cách đánh giá qua tuổi của máy móc, thiết bị, dây chuyền. Khi đó gần như tất cả các hạng mục máy móc, thiết bị không phân biệt chủng loại thì đều bị giới hạn bởi vấn đề 10 năm tuổi. Tuy nhiên, việc này đã gây nên một số khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện việc nhập khẩu nói trên.
Vì vậy, trong thời gian qua, chúng tôi cũng đã phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp ở một số lĩnh vực, các Bộ quản lý chuyên ngành để xác định chính xác xem liệu đối tượng máy móc, thiết bị nào dù có thể quá 10 năm tuổi nhưng vẫn đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng để có cơ chế hợp lý hơn đối với đối tượng này.
Kết quả, khi Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg ra đời, về cơ bản chúng ta vẫn giữ tiêu chí 10 năm tuổi cho máy móc, thiết bị đơn lẻ (khoảng hơn 100 nhóm thiết bị, máy móc). Bên cạnh đó chúng tôi cũng đã sàng lọc được 16 nhóm thiết bị, máy móc về cơ khí, chế biến gỗ, sản xuất giấy được áp dụng vào tiêu chí “nới” hơn như là theo 15 hoặc 20 tuổi. Điểm mới này của Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg đã trực tiếp tháo gỡ rất nhiều vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp nhập khẩu máy móc thiết bị để phục vụ hoạt động sản xuất của mình, đặc biệt có cả các các doanh nghiệp FDI của Nhật Bản, Hàn Quốc khi đầu tư vào Việt Nam”, ông Nguyễn Nam Hải phân tích
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, bên cạnh việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp ở một số trường hợp, Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg cũng có nhiều điểm mới trong việc thắt chặt quản lý vấn đề nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền đã qua sử dụng.
“Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg đưa ra những cách tiếp cận hết sức cụ thể, chúng ta không chỉ đơn thuần quan tâm đến tuổi của thiết bị, máy móc như trước đây mà quan tâm nhiều hơn đến thực tiễn, năng lực thực tế còn lại của máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đó vào thời điểm mà doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu.
Trong đó, việc nhập khẩu các thiết bị, máy móc, dây chuyền công nghệ được đánh giá một cách đồng bộ qua 5 nhóm tiêu chí cơ bản. Đầu tiên là xác định dây chuyền công nghệ phải đảm bảo công suất, hiệu suất còn lại không thấp hơn 85%, tiêu hao năng lượng không quá 15% so với thiết kế ban đầu của dây chuyền công nghệ. Bản thân dây chuyền của công nghệ không được nằm trong danh mục công nghệ cấm chuyển giao và công nghệ hạn chế chuyển giao được ban hành theo Nghị định số 76/2017 Hướng dẫn triển khai Luật chuyển giao công nghệ.
Mặt khác công nghệ này phải đảm bảo còn được sử dụng tại ít nhất 03 cơ sở sản xuất trong khối các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OEDC). Một điều kiện nữa là những công nghệ mà các nước xuất khẩu đã tuyên bố loại bỏ vì lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, gây mất an toàn cho môi trường thì Việt Nam cũng không chấp nhận. Bản thân dây chuyền công nghệ khi được chế tạo thì phải đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc gia thuộc các nước khối G7, Hàn Quốc.
Với các tiêu chí này chúng ta sẽ đạt được hai mục tiêu, vừa kiểm soát chặt việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ, vừa tạo thuận lợi cho việc nhập khẩu theo nhu cầu của doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam.
Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg quan tâm nhiều đến vấn đề thực tiễn, có cách tiếp cận linh hoạt, không phụ thuộc cứng nhắc vào các quy định trước đây (ví dụ vấn đề về năm tuổi thiết bị). Một điểm cơ bản nữa cần ghi nhớ là việc đánh giá phải được thực hiện tại nguồn (nước xuất khẩu) trong trạng thái dây chuyền công nghệ vẫn còn đang hoạt động, chưa được tháo dỡ. Đồng thời, Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg chỉ cho phép nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp tại Việt Nam. Do vậy, tránh được tình trạng các doanh nghiệp nhập khẩu tràn lan máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ vào Việt Nam”, Vụ trưởng Nguyễn Nam Hải nói thêm.
Đối với vấn đề phản hồi của doanh nghiệp sau hơn một tháng Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg chính thức được ban hành, ông Nguyễn Nam Hải cho biết, phía cơ quan này cũng đã nhận được những ý kiến phản hồi tích cực từ phía các doanh nghiệp về những sửa đổi, điều chỉnh từ Quyết định này trong việc tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, sản xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp.
Đồng thời, phía Vụ cũng đã phối hợp với các cơ quan Hải quan tích cực giải đáp cho các doanh nghiệp còn có thắc mắc về những điểm mới trong Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg.
Theo: vietq.vn