Trước làn sóng của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang diễn ra hiện nay, công nghệ, tri thức và sáng tạo trở thành yếu tố then chốt quyết định năng lực cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế của từng quốc gia cũng như của từng doanh nghiệp. Bên cạnh những thuận lợi các doanh nghiệp đang phải đối mặt với khó khăn và thách thức trong việc nâng cao năng suất chất lượng.
Việc sản phẩm bị cạnh tranh gay gắt đến từ các nước tiên tiến trên thế giới đang là một trong những khó khăn lớn hiện nay của các doanh nghiệp. Liệu đứng trước khó khăn và thử thách này, các doanh nghiệp Việt Nam đang có những giải pháp như thế nào trong việc nâng cao năng suất chất lượng?
CMCN 4.0 là tiền đề để doanh nghiệp cạnh tranh
Ông Đặng Quang Định, Giám đốc quản lý ngành Ống, Tập đoàn Tân Á Đại Thành cho rằng, thị trường muôn hình muôn vẻ, chắc chắn rằng khó khăn ngày một khốc liệt hơn. Khi nước ta đang hòa nhập yếu tố cạnh tranh sẽ theo. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam muốn tồn tại và phát triển bắt buộc chúng ta phải thích ứng với môi trường khốc liệt như vậy.
Chia sẻ về vấn đề này ông Hà Minh Hiệp, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, CMCN 4.0 hay cốt lõi của nó là sản xuất thông minh tác động trực tiếp đến doanh nghiệp. Theo đó có 4 nhóm cơ chế sản xuất thông minh tác động đến doanh nghiệp, trong đó có 2 nhóm cơ chế liên quan đến vấn đề sản xuất (cơ chế về sự tích hợp, cơ chế về tự động hóa); có hai nhóm cơ chế liên quan đến vấn đề công nghệ (cơ chế về rút ngắn quá trình sản xuất, cơ chế xây dựng hệ thống sản xuất ảo). 4 nhóm cơ chế này tác động tổng thể và cộng hưởng với nhau giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất.
Trên thực tế, hiện nay tại Việt Nam nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu có sự quan tâm và đầu tư về công nghệ, nắm bắt xu hướng phát triển của toàn cầu. Năm 2018, Công ty Cổ phần Bê tông khí Viglacera đã đầu tư một dây chuyền hiện đại công nghệ châu Âu được đưa vào sản xuất với sản lượng đạt 200.000 m3/1 năm. Với dây chuyền này hầu như các khâu sản xuất đều được tự động hóa, những sản phẩm đầu ra phải đảm bảo các ưu điểm cách âm, cách nhiệt, chống cháy. Khi sử dụng trong các giải pháp xây dựng giúp giảm tải trọng móng và thời gian thi công nhanh.
Ứng dụng hệ thống sản xuất thông minh, công nghệ số hóa nhằm nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất
Ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công ty Cổ phần Bê tông khí Vigalacera – Tổng Công ty Vigalacera , toàn bộ dây chuyền thiết bị được tự động hóa khá là đồng bộ. Với việc đồng bộ tự động hóa đã giảm được lao động khá nhiều 30-40% về lao động. Từ đó giúp chúng tôi tăng hiệu quả về sản xuất cũng như chủ động tăng năng suất ổn định về sản lượng.
Yêu cầu đầu tư công nghệ để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm cũng là yêu cầu không ít các doanh nghiệp việt nam hiện nay đang nhìn nhận và có những giải pháp phù hợp với thực tế. Đón đầu và áp dụng KH&CN hiện đại với các quy trình sản xuất tự động hóa, điện toán đám mây vào sản xuất, Tập đoàn Tân Á Đại Thành đã được đánh giá là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu của ngành cơ khí, áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất cho năng suất và chất lượng tốt hiện nay. Tập đoàn đã ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất với công nghệ sản xuất đạt tiêu chuẩn Đức với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, công suất 30.000 tấn sản phẩm/1 năm.
Ông Đặng Quang Định, Tập đoàn Tân Á Đại Thành cho biết, hiện Tập đoàn đã có 14 nhà máy công nghệ cao. Bắt đầu từ năm 2016 Tập đoàn đã bắt đầu có dây chuyền hiện đại, mới đây nhất là dây chuyền ống nhựa… với công nghệ hoàn toàn tiêu chuẩn Châu Âu và tự động theo tiêu chuẩn 4.0. Dự kiến T11/2019, Tân Á Đại Thành thành lập nhà máy công nghệ cao tại tỉnh Hà Nam – một trong những nhà máy hiện đại nhất Đông Nam Á với quy mô sản xuất cũng áp dụng công nghệ 4.0. Đầu tư vào công nghệ là gốc có thể chúng ta sẽ đầu tư dần dần, nhưng hướng tối ưu về sản xuất sẽ giúp năng lực cạnh tranh ngoài thị trường tốt hơn. Việc tối ưu sản xuất rõ ràng công nghệ 4.0 đang thích ứng và là tiền đề để các doanh nghiệp cạnh tranh tốt hơn ngoài thị trường.
Nền tảng công nghệ số tích hợp với sản xuất thông minh, tối ưu hóa quy trình sản xuất, những hiệu quả từ đầu tư công nghệ hiện đại có thể thấy rõ. Tuy nhiên, đứng trước cuộc CMCN 4.0 để thích ứng với các phương thức sản xuất, các doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn còn khá nhiều thách thức ở phía trước.
Chìa khóa nào để doanh nghiệp sản xuất thông minh
Theo ông Nguyễn Hồng Phong, đối với các nhà máy sản xuất về vật liệu thì việc tối ưu hóa cho quá trình tự động hóa chưa phải đã thực hiện một cách triệt để. Do vậy, việc ứng dụng từ công nghiệp 4.0 của chúng ta vẫn còn những hạn chế nhất định. Ngoài ra, vấn đề con người tiếp cận về KH&CN 4.0 chúng ta cũng cần phải có đội ngũ nhân sự tiếp cận được cùng với việc xây dựng hệ thống chúng tôi thấy rằng đó là những khó khăn chúng ta cần phải xây dựng tiếp tục.
Ông Hà Minh Hiệp cho rằng, khó khăn đầu tiên là doanh nghiệp chưa có cơ hội để tìm hiểu, có hiểu biết đầy đủ về sản xuất thông minh. Thứ hai là doanh nghiệp chưa biết bắt đầu từ đâu, cho dù doanh nghiệp có kiến thức nhưng chưa biết được hiện trạng doanh nghiệp bắt đầu triển khai sản xuất thông minh từ đâu và như thế nào? Thứ ba là doanh nghiệp chưa sẵn sàng về các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính và cơ sở hạ tầng.
“Mặc dù nhiều doanh nghiệp đã nhập khẩu nhiều dây chuyền thiết bị công nghệ hiện đại nhưng chúng ta chưa có sự sẵn sàng về nguồn nhân lực trong việc sản xuất thông minh. Ở Việt Nam các doanh nghiệp chưa có sự hỗ trợ từ các bên có liên quan, hay nói cách khác chúng ta chưa có hệ sinh thái hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển sản xuất thông minh. Trong hệ sinh thái gồm các nhà xây dựng chính sách, các nhà tư vấn về công nghệ, các nhà tư vấn về tài chính, các doanh nghiệp giải pháp, doanh nghiệp sản xuất, các viện trường cũng như là các tổ chứ nước ngoài hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam”, ông Hà Minh Hiệp chia sẻ.
Sản xuất thông minh là xu thế tất yếu và là cơ hội của doanh nghiệp
Cuộc CMCN 4.0 mở ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm điều đó đồng nghĩa với việc nếu không bắt kịp tiến độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức tác động không nhỏ.
Trong bối cảnh cuộc CMCN4.0 hiện nay sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, sự trang bị đầy đủ kiến thức ở cấp quản lý và nhà hoạch định chính sách, ý thức về việc áp dụng, sử dụng công nghệ thông tin và mức độ hội nhập quốc tế cao về KH&CN và đổi mới sáng tạo, về thương mại đầu tư cho thấy tiềm năng của Việt Nam trong việc tiếp cận sản xuất thông minh, từng bước thực hiện thành công chuyển đổi nền kinh tế số, đưa đất nước phát triển lên một tầm cao mới.
Ông Hà Minh Hiệp cho biết, hiện nay nhiều cơ chế chính sách liên quan đến phát triển sản xuất thông minh đã được ban hành. Cụ thể là, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nội dung về sản xuất thông minh và các nhà máy thông minh là một trong những vấn đề rất quan trọng. Cùng với đó Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 16/CT-TTg về việc tăng cườn năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0. Mới đây, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0, trong đó các vấn đề liên quan đến sản xuất thông minh được Đảng và Nhà nước đặt lên vị trí quan tâm rất xứng đáng. Vừa qua, Bộ KH&CN cũng đã tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến KH&CN trong các dự thảo: Nghị quyết của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách lớn về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp thúc đẩy năng suất lao động quốc gia để giúp cho các doanh nghiệp và các tổ chức cá nhân tham gia tiếp cận về công nghiệp 4.0 cũng như sản xuất thông minh.
“Chúng tôi đang tập trung nghiên cứu xây dựng công cụ để giúp chúng ta đánh giá được hiện trạng cũng như năng lực của doanh nghiệp đối với việc tiếp cận sản xuất thông minh. Mỗi doanh nghiệp sẽ có một năng lực tiếp cận khác nhau dựa trên nền tảng cơ sở hạ tầng cũng như năng lực về nguồn nhân lực. Chúng ta cần phải có công cụ đó. Công cụ giúp cho doanh nghiệp sản xuất thông minh chính là chìa khóa để cho doanh nghiệp bước vào cuộc hành trình sản xuất thông minh”, ông Hà Minh Hiệp chia sẻ.
Có thể nói cuộc CMCN 4.0 đang tạo nên những cải cách đáng kể về công nghệ sản xuất trong đó sản xuất thông minh đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm và đang trở thành xu thế tất yếu. Các nhà máy thông minh với các công nghệ đột phá đang làm thay đổi phương thức làm việc truyền thống, tạo ra nhiều sản phẩm mới với chất lượng và hiệu quả khác biệt vượt trội. Việc thay đổi phương thức sản xuất phù hợp với phát triển về công nghệ thế giới sẽ là chìa khóa để các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng suất chất lượng đủ sức cạnh tranh trên thị trường kể cả trong nước, khu vực và trên thế giới.
Bài, ảnh: Bảo Chi