Hoạt động trình diễn và kết nối cung – cầu công nghệ (Techdemo) là bước đi thiết thực của Bộ KH&CN trong việc hiện thực hóa những chính sách lớn để khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, phát triển thị trường KH&CN. Tính đến nay, qua các kỳ tổ chức, Techdemo đã lựa chọn trình diễn và giới thiệu 2.898 quy trình, công nghệ, thiết bị, sản phẩm, hỗ trợ kết nối 136 hợp đồng hợp tác và chuyển giao công nghệ giữa các tổ chức, doanh nghiệp với giá trị ký kết hơn 171.757,7 tỷ đồng.
Đó là thông tin từ Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cho biết khi nói về Techdemo – một hoạt động thương xuyên, liên tục của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) trong suốt những năm qua, bắt đầu từ năm 2011.
Trong môi trường quốc tế cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay, KH&CN được xem là công cụ chiến lược để phát triển kinh tế xã hội một cách nhanh chóng và bền vững. Thực tế này đang đặt ra cho chúng ta những yêu cầu bức thiết về ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ. Hiện nay liên kết giữa nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà quản lý đã từng bước được phát huy hiệu quả.
Giải bài toán về nhu cầu đổi mới công nghệ
Techdemo đã thể hiện được một phần quan trọng trong bức tranh toàn cảnh về hoạt động đổi mới công nghệ tại Việt Nam nhằm ứng dụng những công nghệ mới vào phục vụ đời sống. Techdemo là lời giải cho bài toán các doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới công nghệ tìm được đúng công nghệ mà mình mong muốn, còn các nhà nghiên cứu nhà sở hữu công nghệ thì có cơ hội thương mại hóa và chuyển giao công nghệ.
Từ những con số khiêm tốn như 60 quy trình công nghệ được trưng bày, 11 hợp đồng và biên bản ghi nhớ được ký kết năm 2011. Đến năm 2018 những con số này đã tăng lên gấp 10 lần với 500 sản phẩm thiết bị công nghệ được trưng bày, giá trị những hợp đồng ký kết đã tăng lên 240 tỷ đồng. Tính đến nay, thông qua các kỳ tổ chức Techdemo đã lựa chọn trình diễn và giới thiệu 2.898 quy trình, công nghệ, thiết bị, sản phẩm, hỗ trợ kết nối 136 hợp đồng hợp tác và chuyển giao công nghệ giữa các tổ chức, doanh nghiệp với giá trị ký kết hơn 171.757,7 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, thông qua điều tra khảo sát cho thấy nhu cầu về công nghệ của các doanh nghiệp rất lớn và đa dạng. Các doanh nghiệp đều mong muốn chuyển nhận công nghệ từ nước ngoài từ viện nghiên cứu trường đại học hay các doanh nghiệp, hay các đơn vị rất cần những công nghệ được giới thiệu tại sự kiện Techdemo.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng tham quan các gian hàng Techdemo 2018 tổ chức tại Cần Thơ
Năm 2019 đánh dấu là năm thứ 11 hoạt động Techdemo được tổ chức, nhìn lại chặng đường đã qua, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ Trần Thị Hồng Lan cho biết, Techdemo đã rất thành công và đem lại dấu ấn của mỗi địa phương khi sự kiện được tổ chức, thể hiện được ba nội dung chính. Thứ nhất là, trình diễn công nghệ, đưa những công nghệ vào thực tiễn và kết nối những công nghệ đó đối với các địa phương. Thứ hai là, đưa các kết quả nghiên cứu của các viện, trường ra thực tế thông qua những hoạt động liên quan đến giới thiệu công nghệ. Thứ ba là, kết nối giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với viện, trường và giữa doanh nghiệp với nhà sáng chế trong và ngoài nước. Ngoài ra, các doanh nghiệp được các chuyên gia tư vấn giải quyết bài toán về công nghệ rất hiệu quả.
Có thể nói, đối với những đơn vị nghiên cứu và chuyển giao khi tham gia vào Techdemo đã có được cơ hội lớn trong việc kết nối với các doanh nghiệp, kết nối các cơ quan quản lý. Chia sẻ về vấn đề này PGS.TS. Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch cho biết, Viện xác định Techdemo thực sự là một diễn đàn rất bổ ích,đặc biệt đối với các Viện nghiên cứu trong cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Qua 10 đợt tham gia chương trình Techdemo do Bộ KH&CN tổ chức, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đánh giá rằng đây là một trong những bước thay đổi đáng kể đối với các viện nghiên cứu và các trường đại học. Đối với các nhà khoa học được nắm bắt thêm nhu cầu của thực tiễn sản xuất, đặc biệt là có thêm thông tin, đề xuất những nhiệm vụ KH&CN các cấp thiết thực hơn, và các nhiệm vụ KH&CN trong những năm qua là cấp Bộ hay cấp nhà nước luôn gắn với doanh nghiệp.
“Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch còn kết hợp cả chương trình đào tạo, tập huấn cho các doanh nghiệp cũng như kết nối với các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN của các tỉnh tạo thành một thị trường KH&CN sôi động và đặc biệt là đã làm chủ được công nghệ. Khi chúng ta làm chủ được công nghệ với giá thành chỉ bằng 30-35% so với nhập khẩu thì đây là một trong những hướng không những đối với Viện chúng tôi trong thời gian tới mà còn là định hướng của các viện, các trường”, ông Phạm Anh Tuấn cho hay.
Thông tin từ Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cho biết, số lượng các tổ chức, doanh nghiệp tham gia Techdemo qua các năm rất đều đặn từ 10-15%. Điều này cho thấy sự quan tâm của các doanh nghiệp đối với các kỳ Techdemo, cũng như đối với hoạt động chuyển giao và đổi mới công nghệ.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Cơ khí Vina Nha Trang chia sẻ, đổi mới công nghệ là vấn đề sống còn của một doanh nghiệp, từ lúc Công ty có 50-70 nhân viên cho đến lúc có vài trăm nhân viên thì sự đổi mới càng trở nên là nhu cầu cấp thiết.
“Qua hoạt động Techdemo tôi thấy rằng quá cần thiết đối với Công ty chúng tôi, vì không có hoạt động này chúng tôi cũng phải làm, làm để tồn tại. Nên khi tham gia vào Techdemo chúng tôi nhận được hỗ trợ của các nhà nghiên cứu, sự hỗ trợ của nhà nước giúp chúng tôi đi con đường đổi mới nhanh hơn. Đây là điều thực sự cần thiết đối với mỗi doanh nghiệp”, ông Nguyễn Văn Hoàng nhấn mạnh.
Liên kết cung – cầu công nghệ
Với mỗi doanh nghiệp, có thể nói là nhu cầu ứng dụng, chuyên giao và đổi mới công nghệ khác nhau. Có doanh nghiệp có nhu cầu được tư vấn công nghệ, có doanh nghiệp có nhu cầu mua bán công nghệ. Do vậy, Ban Tổ chức Techdemo cần định hướng đúng và trúng nhu cầu công nghệ của mỗi đơn vị khác nhau từ đó mới đáp ứng được nhu cầu đó.
Bà Trần Thị Hồng Lan, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cho biết, cần xác định được nhu cầu của các doanh nghiệp và nhu cầu của thực tiễn để có định hướng cho vấn đề nghiên cứu cũng như xây dựng chiến lược, cơ chế chính sách cho phù hợp với lĩnh vực đó. Hàng năm, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ có tiếp nhận khoảng 300-400 nhu cầu của doanh nghiệp.Với mỗi nhu cầu, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cùng với các chuyên gia có thể xác định lại và tư vấn cho từng nhóm nhu cầu. Bên cạnh đó, còn có những nhu cầu cần phải có sự chung tay của tất cả các bên từ cơ quan quản lý nhà nước, từ đơn vị nghiên cứu, từ doanh nghiệp, đến tổ chức tư vấn. Chỉ khi nào liên kết lại thì sẽ đánh giá được nhu cầu cũng như là cung cấp nguồn cung công nghệ hay những tư vấn được hiệu quả nhất.
Cùng bàn về vấn đề nay, ông Phạm Anh Tuấn cho rằng, thông qua Techdemo, ngoài việc công nghệ mới được đưa vào sản xuất thì chúng tôi cũng hoàn thiện được công nghệ. Đối với các doanh nghiệp hiện tại không phải doanh nghiệp nào cũng đủ nguồn lực để đầu tư, đổi mới hoàn toàn mà chúng ta hoàn thiện công nghệ, tích hợp giải pháp tiên tiến để nâng cao hiệu quả dây chuyền, thiết bị hiện có. Đây cũng là một trong những nhu cầu rất lớn đối với doanh nghiệp hiện nay.
Techdemo tiếp tục là bước đi thiết thực của Bộ KH&CN trong việc hiện thực hóa những chính sách lớn để khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ, phát triển thị trường KH&CN. (Ảnh minh họa).
Thời gian qua, Techdemo thực sự đã trở thành cầu nối, gắn kết ba nhà: nhà quản lý, doanh nghiệp và nhà khoa học để cùng nhau phát triển, từ đó thúc đẩy ứng dụng KH&CN vào sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp đỏi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành.
Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ Trần Thị Hồng Lan cho biết, từ 24-26/11 tới đây, Techdemo sẽ được tổ chức tại TP Pleiku tỉnh Gia Lai, một trong những tỉnh trọng tâm của Tây Nguyên. Chúng tôi xác định đưa những tiến bộ KH&CN vào phục vụ những vùng trọng điểm. Gia Lai là một trong những tỉnh sẵn sàng tiếp cận công nghệ mới, tiếp nhận công nghệ, những nhà đầu tư. Điểm đáng chú ý của Techdemo Gia Lai là 250 gian giới thiệu sản phẩm làng nghề của Tây Nguyên lồng ghép cả văn hóa Tây Nguyên với công nghệ 4.0 thông qua những màn trình diễn công nghệ kết hợp với văn hóa.
Sự kiện Techdemo được tổ chức tại Gia Lai lần này một lần nữa khẳng định vai trò của hoạt động trình diễn và kết nối cung cầu công nghệ trong thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp và các tổ chức ở địa phương.
Phương Nga