Trên cơ sở đề xuất của Bộ Y tế, ngày 07/02/2020, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt bổ sung đề tài độc lập cấp Nhà nước “Đánh giá hiệu quả và tính an toàn của việc bổ sung lopinavir/ritonavir phối hợp trong điều trị người bệnh nhiễm vi rút corona mới”.
Nghiên cứu đặt mục tiêu sẽ thử nghiệm trong vòng 4 tuần hoặc có 10 người bệnh được điều trị lopinavir/ritonavir. Trên cơ sở đó đơn vị nghiên cứu sẽ báo cáo hiệu quả đáp ứng lâm sàng, cận lâm sàng, vi rút học của việc sử dụng bổ sung lopinavir/ritonavir phối hợp trong điều trị người bệnh nhiễm vi rút corona mới được điều trị theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế.
Cơ quan nghiên cứu cũng sẽ báo cáo sơ bộ về tính an toàn của việc sử dụng bổ sung lopinavir/ritonavir phối hợp trong điều trị người bệnh dựa trên phác đồ điều trị của Bộ Y tế.
Căn cứ vào các báo cáo trên, có thể đề xuất việc sử dụng lopinavir và ritonavir phối hợp trong điều trị người bệnh nhiễm vi rút Corona mới.
Trong vòng 12 tháng, nghiên cứu sẽ làm rõ hiệu quả và tính an toàn của việc sử dụng bổ sung lopinavir/ritonavir phối hợp trong điều trị người bệnh nhiễm vi rút corona mới dựa trên phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Đề xuất phác đồ sử dụng bổ sung lopinavir/ritonavir phối hợp trong điều trị người bệnh nhiễm vi rút corona mới.
Đây là đề tài nghiên cứu thử thuốc lâm sàng, đòi hỏi phải quản lý, theo dõi rất đặc biệt, vì vậy phải có sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế trong quá trình xem xét phê duyệt, triển khai thực hiện đề tài.
Trước đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng phê duyệt một số đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước nhằm phục vụ mục đích phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút corona mới gây ra tại Việt Nam.
Nguồn: https://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/17441/bo-khoa-hoc-va-cong-nghe-phe-duyet-bo-sung-de-tai-nghien-cuu-thu-nghiem-thuoc-dieu-tri-vi-rut-corona-moi.aspx