Trong cuộc đua tìm kiếm vắc-xin ngăn chặn virus corona trên toàn cầu, hầu hết các nhóm nghiên cứu đã phải bắt đầu những thử nghiệm lâm sàng quy mô nhỏ với vài trăm người tham gia để chứng minh tính an toàn của sản phẩm. Tuy nhiên, các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu Jenner thuộc trường Đại học Oxford, Anh đã có sự khởi đầu thuận lợi với vắc-xin này bởi các thử nghiệm trước đây của họ đã chứng minh các chế phẩm tương tự – bao gồm một vắc-xin được bào chế vào năm ngoái để chống lại virus corona cũ – vô hại cho người.

Các nhà khoa học đã lên kế hoạch thử nghiệm vắc-xin virus corona mới với sự tham gia của hơn 6.000 người vào cuối tháng tới với hy vọng chứng minh vắc-xin không chỉ hoạt động mà còn hiệu quả. Nhóm nghiên cứu cho biết được sự phê chuẩn khẩn cấp của các nhà quản lý ở Anh, vài triệu liều vắc-xin đầu tiên sẽ sẵn sàng được tiêm vào tháng 9 tới, ít nhất trước vài tháng so với bất cứ vắc-xin cùng loại nào khác được công bố – nếu nó chứng minh được hiệu quả.

Tháng trước, các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Rocky Mountain thuộc Viện Y tế quốc gia ở Montana đã tiêm vắc-xin mới cho 6 con khỉ vàng. Sau đó, chúng được cho tiếp xúc với một lượng lớn virus gây đại dịch – tình trạng phơi nhiễm đã khiến cho những con khỉ khác trong phòng thí nghiệm liên tục bị bệnh. Nhưng hơn 28 ngày sau, cả 6 con khỉ được tiêm vắc-xin, vẫn khỏe mạnh.

Tuy nhiên, miễn dịch ở khỉ không đảm bảo vắc-xin sẽ cung cấp khả năng bảo vệ tương tự cho con người. SinoVac, một công ty Trung Quốc gần đây đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng với 144 người tham gia, cũng xác nhận vắc-xin của họ có hiệu quả với khỉ vàng.

Trong nỗ lực chống virus corona, nhóm nghiên cứu đã sử dụng công nghệ tập trung làm thay đổi mã di truyền của một loại virus quen thuộc. Loại vắc-xin cũ sử dụng một phiên bản virus bị suy yếu để kích hoạt phản ứng miễn dịch. Nhưng trong công nghệ mà viện Jenner đang sử dụng, một loại virus khác được biến đổi trước hết để vô hiệu hóa tác động của nó và sau đó, làm cho nó “bắt chước” virus mà một nhà khoa học tìm cách ngăn chặn – trong trường hợp này là virus gây ra Covid-19. Virus “mạo danh” vô hại khi được tiêm vào cơ thể, có thể kích thích hệ miễn dịch chiến đấu và tiêu diệt virus mục tiêu để bảo vệ cơ thể.

Dù các thử nghiệm trên người đối với các loại vắc-xin tương tự ngăn ngừa Ebola, MERS và sốt rét cung cấp dữ liệu về tính an toàn, nhưng các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu Jenner đã thuyết phục các nhà quản lý ở Anh cho phép thực hiện các thử nghiệm gia tốc bất thường trong khi dịch bệnh vẫn còn bùng phát.

Tuần trước, nhóm nghiên cứu đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I với 1.100 người. Quan trọng là vào tháng tới, thử nghiệm kết hợp Giai đoạn II và Giai đoạn III sẽ được triển khai với 5.000 người khác. Không giống bất cứ dự án vắc-xin nào khác hiện đang được tiến hành, thử nghiệm đó được thiết kế để chứng minh tính hiệu quả và độ an toàn của vắc-xin.

Các nhà khoa học sẽ tuyên bố thắng lợi nếu 12 người tham gia dùng giả dược bị mắc Covid-19 trong khi số người được tiêm chủng bị nhiễm là 1 hoặc 2 người. Tất cả những người chỉ nhận được giả dược sẽ được tiêm chủng ngay lập tức.

Nếu quá ít người tham gia bị nhiễm bệnh ở Anh, nhóm nghiên cứu sẽ triển khai các thử nghiệm khác tại những nước virus corona vẫn đang lây lan, có thể ở Châu Phi hoặc Ấn Độ.

Nguồn: vista.gov.vn