Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020 (gọi tắt là chương trình 2075) được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 2075/2013/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2013.

Mục tiêu chính:

(1) Tăng giá trị giao dịch mua bán các sản phẩm và dịch vụ khoa học và công nghệ trên thị trường; (2) Tăng tỷ trọng giao dịch mua bán tài sản trí tuệ như giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật; (3) Thiết lập mạng lưới sàn giao dịch công nghệ kèm theo: hệ thống tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ hỗ trợ, trọng tâm là thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Sau 5 năm triển khai, kết quả đạt được từ chương trình bao gồm:  có đã hơn 25 sản phẩm được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ ( giai đoạn 2016 – 2020); hơn 1200 hợp đồng được ký kết với giá trị gần 1.000 tỷ đồng ( giai đoạn 2015 – 2018); tổ chức 1000 phiên kết nối cung cầu, kết nối đầu tư cho hơn 5.000 tổ chức (giai đoạn 2016 – 2018); thực hiện trên 120 lớp đào tạo bồi dưỡng với 3.000 người được tập huấn (giai đoạn 2015 – 2020); thực hiện 8 đoàn ra nước ngoài, hợp tác với các nước Hà Lan, Thụy Sĩ, Pháp, Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Lào; …

Chương trình đã tạo được môi trường pháp lý về thị trường KH&CN dần được hoàn thiện và thích ứng hơn với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; hoạt động dịch vụ trung gian của thị trường KH&CN được thúc đẩy và có xu hướng gia tăng; hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu và tài sản trí tuệ được đẩy mạnh, nhận thức của xã hội về thương mại hóa kết quả nghiên cứu được nâng cao.

Các nhiệm vụ phê duyệt hỗ trợ tập trung chủ yếu vào 08 nhóm nhiệm vụ, trong đó tập trung chủ yếu vào 05 nhóm chính:

  1. Nhóm nhiệm vụ định kỳ hằng năm về PTTTCN
  2. Nhóm dự án hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ
  3. Nhóm dự án phát triển, nâng cao năng lực hoạt động của tổ chức trung gian
  4. Nhóm đề tài nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách  phát triển thị trường khoa học và công nghệ;
  5. Nhóm dự án xúc tiến phát triển thị trường khoa học và công nghệ;

Những kết quả từ các nhóm nhiệm vụ được tác động trực tiếp từ chương trình 2075

Nhóm nhiệm vụ nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển thị trường khoa học và công nghệ

Các nhiệm vụ thuộc nhóm này mang lại kết quả nghiên cứu khoa học làm cơ sở để Chương trình có định hướng cho việc phát triển thị trường khoa học và công nghệ trong giai đoạn vừa qua. Các giải pháp hữu hiệu, có thể thúc đẩy chuyển giao, thương mại hóa công nghệ trong trường đại học, góp phần tạo động lực, thúc đẩy các hoạt động liên doanh, liên kết trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ giữa khối viện, trường và doanh nghiệp.

Đặc biệt, kết quả nghiên cứu khoa học về chính sách hỗ trợ cho các đối tượng của thị trường khoa học và công nghệ đã được thể chế hóa theo nội dung được bổ sung của Luật chuyển giao công nghệ 2017 có hiệu lực từ 1/7/2018. Theo đó, một số điểm mới trong luật được kỳ vọng sẽ giúp đẩy mạnh việc gắn kết giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các cơ quan nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và tổ chức trung gian, qua đó nâng cao hiệu quả thương mại hóa công nghệ, thu hút các thành phần tham gia thị trường khoa học và công nghệ.

Nhóm Dự án hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ

Trong 5 năm triển khai, chương trình 2075 đã thu hút được các tổ chức tham gia bởi hiện nay, các kết quả nghiên cứu ra mới chỉ dừng lại ở quy mô phòng thí nghiệm và cần bước hỗ trợ chuyển tiếp sang quy mô công nghiệp, đánh giá thị trường, hợp chuẩn, hợp quy…Đặc biệt, từ nguồn hỗ trợ của chương trình 2075, các dự án được hỗ trợ đã thu hút được hơn 70% từ nguồn ngoài ngân sách nhà nước của tổng số tiền hỗ trợ thương mại hóa.

Kết quả từ hỗ trợ thương mại hóa được thể hiện như sau:

  • Sản phẩm được quảng bá rộng rãi có tác động là cầu nối quảng bá xúc tiến phát triển thị trường
  • Tạo ra được các mối liên kết chặt chẽ giữa khối nghiên cứu và doanh nghiệp để phát triển, ứng dụng công nghệ, tiếp nhận hiệu quả công nghệ từ viện nghiên cứu/trường đại học trong ngành chế biến thực phẩm.
  • Tạo điều kiện để huy động các nguồn đầu tư, góp phần mở rộng và phát triển dự án, tạo lợi ích lâu dài.

Nguồn cung công nghệ để được hỗ trợ thương mại hóa đang dần dịch chuyển qua các sản phẩm, công nghệ được chuyển giao về từ nước ngoài, đồng thời, chương trình ưu tiên hỗ trợ các công nghệ hoàn thiện trong nước có thể được tiếp cận, chuyển giao ra nước ngoài. Các sản phẩm tiêu biểu như Máy gieo hạt Phạm Văn Hát hay phân bón Ong Biển đang được ưa chuộng tại nhiều nước trên thế giới…

Nhóm dự án phát triển, nâng cao năng lực hoạt động của tổ chức trung gian

Nhóm dự án phát triển, nâng cao năng lực hoạt động của tổ chức trung gian đã góp phần đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghệ, tài sản trí tuệ, thúc đẩy hoạt động liên kết các sàn giao dịch công nghệ. Về đào tạo, có khoảng trên 1.000 cán bộ làm việc trong các tổ chức trung gian là các trung tâm ứng dụng KH&CN, sàn giao dịch công nghệ, trường đại học, viện nghiên cứu được đào tạo các kỹ năng về thương mại hóa công nghệ, được phổ biến kiến thức về các văn bản pháp luật liên quan đến phát triển thị trường KH&CN. Triển khai hỗ trợ duy trì và phát triển cơ sở dữ liệụ trực tuyến về đối tượng sở hữu công nghiệp và công cụ khai thác phục vụ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đặc biệt, từ nhiệm vụ “Hình thành và phát triển tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ tại cơ sở giáo dục đại học trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp” đã bước đầu hình thành được mô hình tổ chức trung gian trong trường đại học, qua đó, có thể làm hình mẫu nhân rộng thúc đẩy giao dịch công nghệ tại cơ sở giáo dục đại học trên toàn quốc

Nhóm định kỳ hằng năm về xúc tiến và kết nối cung cầu phát triển thị trường

Thông qua các sự kiện như kết nối cung cầu công nghệ (Techdemo), Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart) và các sàn giao dịch công nghệ, trung tâm ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN, các giai đoạn từ 2012 đến 2017, đã có hơn 2000 hợp đồng và biên bản được ký kết với giá trị gần 4.200 tỷ đồng.

Các sự kiện lớn tổ chức hàng năm quy mô vùng, quốc gia và quốc tế gồm chợ công nghệ, thiết bị (Techmart), kết nối cung cầu công nghệ (Techdemo), ngày hội khởi nghiệp công nghệ (Techfest) đã thúc đẩy hoạt động giao dịch công nghệ và thiết bị, tạo được hiệu ứng tích cực đối với thị trường KH&CN.

ICT Comm là sự kiện hàng năm với nhiều công nghệ, sản phẩm công nghệ mới trong và ngoài nước là sự kiện được tổ chức hàng năm tại thành phố Hồ Chí Minh.

Triển lãm là sàn giao dịch trực tiếp, hiệu quả, và là môi trường trao đổi và giao lưu tốt nhất cho giới chuyên môn, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý, và là nơi gặp gỡ của các nhà sản xuất, cung cấp các ứng dụng, trải nghiệm sản phẩm, trao đổi mua bán công nghệ thông minh cho doanh nghiệp thời 4.0 và kết nối vạn vật (IoT), Trí tuệ nhân tạo (AI), Đô thị thông minh (SmartCity), v.v.

Sự kiện Growtech Việt Nam với sự phối hợp đồng tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với mức độ xã hội hóa cao đã thu hút hàng trăm gian hàng tham gia triển lãm quy tụ các sản phẩm công nghệ mới nhất trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, thu hút các chuyên gia, trung tâm nghiên cứu, tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng vào lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp tham dự. Triển lãm đã đạt được mục đích là xây dựng sàn giao dịch trực tiếp về công nghệ và thiết bị mới và tiên tiến ứng dụng vào nông nghiệp lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam.

Các sự kiện kết nối cung cầu được thực hiện hàng năm với sự hỗ trợ từ chương trình 2075 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, các sự kiện đã tạo ra được sự dịch chuyển mạnh từ kinh phí đầu tư 100% ngân sách nhà nước ban đầu sang nguồn kinh phí tổ chức xã hội hóa. Các sự kiện như ICTcomm và GrowTech được tổ chức bởi nguồn xã hội hóa lên tới hơn 90%, nguồn ngân sách tổ chức từ nhà nước chiếm khoảng 10%. Kết quả đạt được từ các sự kiện vẫn đạt 100% các mục tiêu hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện chính sách, kết nối các nguồn cung, cầu trong và noài nước, đảm bảo thực hiện được các nhiệm vụ định hướng và phát triển thị trường khoa học và công nghệ.

Nhóm dự án truyền thông

Định hướng phê duyệt dự án truyền thông phát triển thị trường KH&CN là hướng đến mục đích giới thiệu, quảng bá các điển hình công nghệ, sản phẩm công nghệ, ý tưởng sáng tạo trên truyền hình, báo giấy, báo điện tử và mạng xã hội, thúc đẩy hoạt động kết nối trong cộng đồng sáng tạo trên thị trường KH&CN thông qua tọa đàm, giao lưu trực tuyến.

Dự án “Thông tin truyền thông về nhu cầu và kết nối chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trên Đài truyền hình VTC và Báo điện tử VTC News” được phê duyệt giao cho Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC chủ trì là kênh thông tin chuyển tải các bài viết về nguồn cung, nguồn cầu, tổ chức trung gian của thị trường công nghệ, phát tin tức về giao dịch công nghệ, sản phẩm công nghệ, hoạt động phát triển thị trường KH&CN; Dự án Thông tin, truyền thông

Đặc biệt, Dự án phát triển và ứng dụng công nghệ truyền thông trên mạng xã hội do Đơn vị chủ trì Maymedia triển khai từ 2018 đến 2020 đã xây dựng được mạng lưới kết nối trực tuyến của cộng đồng phát triển thị trường khoa học và công nghệ bao gồm các đối tượng chính: Các nhà khoa học, doanh nghiệp, các mô hình khởi nghiệp, quản lý nhà nước và người dân quan tâm đến ứng dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu và công nghệ trong đời sống. Các kênh khảo sát trực tuyến, hệ thống chatbot trả lời tự động về cơ chế chính sách được hình thành từ dự án truyền thông này cũng đã đem giúp lan tỏa thông tin về thị trường khoa học học và công nghệ, góp phần tạo kết quả ấn tượng cho nhóm Dự án truyền thông chương trình 2075. Dự án truyền thông triển khai trong giai đoạn vừa qua đã cơ bản tạo nên các kênh tương tác trực tuyến có thể sử dụng để định hướng truyền thông về nội dung cấp thiết của các hoạt động phát triển thị trường khoa học công nghệ trong các giai đoạn mới.

Với các nhóm nhiệm vụ được triển khai, nhiều kết quả tích cực đã đạt được,  Chương trình 2075 vẫn còn một số hạn chế. Nguyên nhân là do các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện nhiệm vụ trong Chương trình chưa bao quát được đầy đủ nội dung và hoạt động của thị trường KH&CN; Mạng lưới tổ chức trung gian thị trường KH&CN đang trong giai đoạn hình thành, còn chưa đồng bộ, năng lực chưa cao; Các cơ chế, chính sách hiện hành chưa thực sự đặt doanh nghiệp ở vị trí trung tâm của hoạt động đổi mới sáng tạo; Quy mô, phạm vi triển khai các nhiệm vụ thuộc Chương trình 2075 còn hạn hẹp, chưa tương xứng với sứ mệnh đặt ra.

Mối liên kết giữa nghiên cứu với thị trường, nhà khoa học với DN còn yếu. Vai trò của các tổ chức trung gian chưa thể hiện được chức năng kết nối cung cầu, tư vấn chuyển giao công nghệ còn mờ nhạt. Các tổ chức trung gian chưa đủ mạnh có thể thúc đẩy hoạt động sáng tạo, kết nối với các quỹ đầu tư mạo hiểm, các doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng trưởng nhanh, các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức tài chính, nhà sáng tạo, v.v..

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN TỚI 2025

Các nội dung chính cần được tiếp tục triển khai mở rộng để khai thác được kết quả từ sự kết nối, mô hình thành công và mạng lưới phát triển thị trường khoa học và công nghệ thiết lập được:

– Bám sát và triển khai trên thực tiễn các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan tới các chương trình KH&CN Quốc gia, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, chiến lược KH&CN trong thực hiện Chiến lược phát triển KT-XH trong giai đoạn mới.

– Lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, Chương trình quốc gia Phát triển thị trường khoa học và công nghệ giai đoạn 2021-2025 có các chủ trương đặc thù như sau:

– Hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, các hiệp hội ngành nghề nhanh chóng tiếp thu, làm chủ công nghệ mới, tiên tiến để tạo ra sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, có tính cạnh tranh trên thị trường;

– Khuyến khích mô hình doanh nghiệp chủ động trong đổi mới sáng tạo, trực tiếp chủ trì nhiệm vụ KH&CN của Chương trình, huy động sự phối hợp, hỗ trợ của các chuyên gia từ các viện nghiên cứu, trường đại học đồng hành cùng doanh nghiệp từ khâu đề xuất, triển khai, ứng dụng, thương mại hóa kết quả các nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo yêu cầu thị trường;

– Tăng cường thu hút nguồn lực của các doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo và chuyển giao công nghệ. Đối với các nhiệm vụ KH&CN do doanh nghiệp chủ trì thực hiện, tỷ trọng đầu tư cho nhiệm vụ là 70/30 (Doanh nghiệp/NSNN);

– Thu hút mạnh mẽ các chuyên gia giỏi nước ngoài, đặc biệt là các chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài tham gia đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp ở Việt Nam;

– Phát triển mạnh mẽ thị trường khoa học và công nghệ trong sự gắn kết, liên thông với các thị trường hàng hóa, dịch vụ, thị trường lao động, thị trường vốn. Thực hiện chuyển đổi số để thúc đẩy các giao dịch trực tuyến trên thị trường KH&CN.

Truyền thông Chương trình 2075