Trên thực tế, để nhận biết được dự án IOC tiềm năng hay không là việc vô cùng khó khăn. Tuy nhiên nhóm nghiên cứu của Đại học Boston – Hugo Benedetti và Leonard Kostovetsky, đã sử dụng cường độ các bài đăng của các dự án ICO trên Twitter để phân tích. Theo đó, dự án ICO nào không có tweet trong tháng thứ 5 có nghĩa là dự án đã chết.
Hơn nữa, nhóm nghiên cứu Đại học Boston cũng chỉ ra rawngd việc không minh bạch thông tin là nguyên nhân chính khiến các dự án ICO bị thất bại. “83% trong số 694 ICO không niêm yết trên sàn giao dịch đã ngừng hoạt động sau 120 ngày. Trong khi chỉ có 16% trong số 440 ICO niêm yết trên sàn giao dịch, không hoạt động trong tháng thứ 5″, nhóm nghiên cứu này cho biết.
Bà Trang Phùng, Quản lý dự án Cty Bitcoin Việt Nam cho biết, nguyên nhân dẫn đến các dự án ICO “chết yểu” là do họ vẽ lên một kế hoạch rất đẹp, nhưng không đủ khả năng thực hiện kế hoạch đó. “Phần lớn các dự án ICO này là các dự án lừa đảo, ngay từ ban đầu đã không có sản phẩm nào”– bà Trang Phùng cho biết.
Dấu hiệu nhận biết
Bà Trang Phùng cho biết, điều quan trọng là nhà đầu tư nên kiểm tra đội ngũ hỗ trợ và các chuyên gia tư vấn của dự án ICO. “Một dự án ICO có nguy cơ thất bại cao khi có đội ngũ thực hiện yếu kém. Để nhận biết được điều này, cách đơn giản nhất là tra cứu thông tin của họ trên LinkedIn”, bà Trang Phùng cho biết.
Theo bà Trang Phùng, các dự án ICO tiềm năng luôn nhận được những lời bình luận tốt từ các thành viên trong cộng đồng, tuy nhiên nhà đầu tư cũng cần tỉnh táo nhận ra đâu là những bình luận của chính Cty sắp tiến hành ICO.
Ngoài những dấu hiệu nhận biết trên, theo một chuyên gia tiền kỹ thuật số, để nhận biết một dự án ICO lừa đảo cần lưu ý 3 yếu tố chính. Thứ nhất là giá trị của đồng token. Lúc đầu, các đồng token sẽ được đẩy giá lên rất cao, sau đó nó sẽ bị bán tháo gây mất giá rất nhanh. Thứ hai, thông tin về dự án ICO không còn được các nhà phát triển của dự án cập nhật. Thứ ba, không có sản phẩm nào từ dự án ICO được thực hiện.