Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang giúp Việt Nam rút ngắn quá trình CNH, HĐH bằng cách “đi tắt, đón đầu”. Việc nắm bắt lĩnh vực công nghệ mới và hoà nhập kịp thời vào làn sóng công nghiệp 4.0 lần này sẽ góp phần nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu kinh tế và mô hình kinh tế nước ta theo hướng từ phát triển theo chiều rộng, thâm dụng cao về lao động và tài nguyên, sang mô hình kinh tế mới, có hàm lượng khoa học và tri thức cao.
Ứng dụng công nghệ Blockchain vào thông tin KHCN
Tại Hội thảo “Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tới hoạt động thông tin khoa học và công nghệ” ngày 18.12 do Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức, chia sẻ về ứng dụng tiềm năng của công nghệ blockchain vào lĩnh vực thông tin khoa học và công nghệ, Ths. Cao Minh Kiểm – Tổng thư ký Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết công nghệ Blockchain được coi là một công nghệ quan trọng trong cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0).
Ths. Cao Minh Kiểm – Tổng thư ký Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Theo ông Kiểm, blockchain có nhiều ứng dụng tiềm năng trong lĩnh vực thông tin – thư viện. Công nghệ blockchain có thể được ứng dụng để xây dựng hệ thống siêu dữ liệu nâng cao cho các thư viện, trung tâm dữ liệu. Công nghệ blockchain có thể được sử dụng để xây dựng một cơ sở dữ liệu lưu trữ dữ liệu phân tán không cho phép can thiệp. Vì blockchain hoạt động như một sổ cái thông tin không đòi hỏi một tổ chức, cơ quan kiểm soát tập trung nên có thể áp dụng để xây dựng cơ sở dữ liệu cho các thư viện, trung tâm thông tin và những tổ chức liên quan.
Công nghệ blockchain còn được ứng dụng để kết nối đến mạng của các thư viện, trường đại học, bởi những nơi này có thể sử dụng công nghệ blockchain cho hệ thống lưu trữ liên hành tinh. Ngoài ra, blockchain có thể giúp cán bộ thư viện quản lý tốt việc thu thập, lưu giữ, chia sẻ các công bố khoa học.
Trong lĩnh vực giáo dục, hồ sơ giáo dục sử dụng công nghệ blockchain có thể cho phép sinh viên kiểm chứng về thành tích học tập. Trong lĩnh vực y tế, blockchain có tiềm năng ứng dụng quản lý hồ sơ y tế.
“Công nghệ blockchain có thể có những ứng dụng trong tương lai gần để quản lý hồ sơ y tế cá nhân đến kiểm tra thư viện có sử dụng sổ cái blockchain chứa các hồ sơ có thể kiểm chứng về thời gian tạo và quyền sở hữu”, ông Kiểm nhấn mạnh.
Hoạt động thông tin KHCN trong CMCN 4.0
Ông Phạm Văn Vu – Phó chủ tịch Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết CMCN 4.0 trong thời đại bùng nổ thông tin tạo ra cơ hội và một số thách thức cho ngành thông tin KHCN.
Về cơ hội, ông Vu cho biết nhu cầu thông tin được xác định rõ ràng hơn; Có đối tượng dùng tin (Khách hàng-Người dùng tin) xác định và rộng mở, nhất là đôi với các lĩnh vực công nghệ mới như AI, Big Data, IoT, CN sinh học, Công nghệ Vật lý; Công nghệ của CMCN 4.0 giúp lưu trữ TT mật độ cao, kết nối hệ thống thông tin online và offline, tao ra nhiều sản phẩm và dịch vụ TT thích hợp người dùng tin…
Tận dụng Big Data để dễ dàng tìm kiếm tối đa dữ liệu và thông tin để cung cấp thẳng tới Khách hàng – Người dùng tin hoặc để xử lý, chế biến lại cho thích hợp Khách hàng – Người dùng tin, Sử dụng công nghệ Big Data và IoT để xây dựng các hệ thống TT chuyên biệt theo nhóm người dùng tin, theo chuyên ngành ứng với từng ngóm đối tượng dùng tin.
Về thách thức, theo ông Vu, người dùng tin tự mình trực tiếp sử dùng Big Data để tìm kiếm thông tin; Ngành thông tin chậm tạo ra những hệ thống (đảm bảo) thông tin phù hợp trên cơ sở tận đụng các công nghệ của CMCN 4.0, chậm nắm bắt các công nghệ mới và đặt hàng các chuyên gia của CMCN 4.0 sáng tạo những công nghệ giúp xây dựng, tạo lập các sản phẩm và dịch vụ thích hợp với người dùng tin-khách hàng TT,…
Theo Phó chủ tịch Hội Thông tin KHCN Việt Nam, các tổ chức (cơ quan, doanh nghiệp) hiện nay phải đấu tranh giành quyền kiểm soát một lượng rất lớn thông tin dưới nhiều định dạng lưu trữ và ngày càng gia tăng. Sự tăng trưởng đáng kinh ngạc của dịch vụ Internet và sự gia tăng của truyền thông điện tử và các phương tiện lưu trữ nói chung đã làm thay đổi công việc của chúng ta và cuộc sống của mỗi cá nhân.
Quá tải thông tin như đã nêu khái quát ở trên là vấn đề ngày càng gay cấn. Do đó cần phải có chắt lọc chất lượng và cung cấp thông tin cần thiết dưới một hình thức có thể sử dụng, hành động ngay (chẳng hạn đưa vào báo cáo, chuẩn bị và lựa chọn giải pháp, ra quyết định, bổ sung luận cứ cho các công trình nghiên cứu phát triển,…).
“Ngày nay, hoạt động kinh tế trong phạm vi cả nước, cũng như ở từng ngành, từng địa phương, từng doanh nghiệp đều chứa đựng những yếu tố mới và mang tính cạnh tranh quyết liệt, đòi hỏi phải nắm bắt thời cơ và tận dụng lợi thế từ trong nước và quốc tế, phải biết cách đương đầu với nhiều khó khăn và thử thách to lớn để tồn tại và phát triển. CMCN 4.0 có thể tạo ra nhiều cơ hội to lớn cho phát triển miễn là biết tận dụng. Như vậy, hoạt động kinh tế đòi hỏi phải nhanh hơn, toàn diện hơn, khôn ngoan hơn, chính xác hơn. Điều đó có nghĩa là hoạt động kinh tế cần được đảm bảo thông tin dưới các định dạng phù hợp một cách kịp thời, chính xác và đầy đủ”, ông Vu nhấn mạnh.