PGS, TS Nguyễn Đình Tứ, Chánh Văn phòng Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho hay, Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) vừa hoàn thiện máy trợ thở phiên bản riêng và đang chờ các chuyên gia xem xét, đánh giá để có thể được đưa vào sản xuất. Sản phẩm này rất có ý nghĩa trong phòng, chống dịch bệnh.
Sản phẩm do Phòng Thí nghiệm trọng điểm quốc gia Điều khiển số & Kỹ thuật hệ thống (DSCELAB), Trường Đại học Bách khoa thực hiện. Theo DCSELAB, sản phẩm được xây dựng dựa trên bản thiết kế mở (miễn phí) do nhóm nghiên cứu gồm các bác sĩ và các kỹ sư cơ khí, điện tử, máy tính thuộc Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ) công bố vào cuối tháng 3.
Một trong những vấn đề nghiêm trọng mà các bệnh viện gặp phải trong đại dịch SARS-CoV-2, đó là sự thiếu hụt máy trợ thở, còn gọi là máy thông khí cơ học. Đây là thiết bị y tế tối cần thiết giúp bệnh nhân suy hô hấp trao đổi oxygen và carbonic khi họ không thể tự hít thở được nữa.
Chiếc máy này vốn là một dự án dang dở trên giấy cách đây 10 năm do các sinh viên bộ môn Thiết kế Thiết bị y tế (Medical Device Design) của trường MIT sáng tạo như một bài tập thực hành kết thúc môn học. Họ đã xuất bản một bài báo khoa học chi tiết về bản thiết kế và thử nghiệm này. Đến nay, nhóm nghiên cứu MIT tin rằng công trình khoa học sinh viên này đã đến lúc phải được ứng dụng.
Thiết bị của MIT bao gồm: một bóng Ambu (bóng thở bóp tay mà các bác sĩ/y tá thường sử dụng trong trường hợp cấp cứu bệnh nhân ở hiện trường tai nạn, nơi không có sẵn máy trợ thở); một ống nội khí quản đặt vào cổ họng người bệnh.
Thông thường, một người bệnh nhiễm SARS-CoV-2 sẽ cần thở máy khoảng hai tuần. Nếu bóp bóng Ambu bằng tay, nhân viên y tế sẽ phải ngồi trực liên tục bên cạnh họ. Quả bóng cũng cần phải bóp hàng triệu lần, mỗi lần đều phải đúng kỹ thuật và chỉ có các y sĩ lành nghề mới có thể đảm nhận được công việc này. Do đó, máy trợ thở của MIT đáp ứng được đòi hỏi cơ học: bắt bước kỹ thuật bóp bóng của nhân viên y tế.
Tuy nhiên, bóng Ambu nếu bị rách hoặc bể giữa chừng thì người bệnh ngay lập tức sẽ rơi vào tình trạng nguy hiểm. Đó là lý do nhóm nghiên cứu MIT cần một sự hợp tác toàn diện từ các bác sĩ lành nghề cùng các kỹ sư cơ khí, điện tử và máy tính để bảo đảm cỗ máy hoạt động được tốt nhất.
Nhóm MIT cũng khuyến cáo rằng đây không phải là một thiết bị mà người nghiệp dư có thể tự làm tại nhà. Nó đòi hỏi sự hiểu biết chuyên sâu về giao diện kỹ thuật lâm sàng và khả năng thiết kế bám sát các hướng dẫn và thông số mà nhóm MIT đã đưa ra, dựa trên tiêu chuẩn ngặt nghèo Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA). Đồng thời, nếu được sử dụng phải có sự giám sát của bác sĩ lâm sàng.
Theo MIT, trị giá của máy chỉ khoảng 100 USD, tương đương 2,4 triệu đồng). (Máy trợ thở khác với máy ECMO – thiết bị hỗ trợ oxy hóa máu bằng màng ngoài cơ thể, giá thành rất cao, lên tới 50.000 USD/máy, tương đương 1,2 tỷ đồng).
Có thể nói, cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhiều nỗ lực và sáng kiến thiết thực trong cộng đồng y học và khoa học kỹ thuật khắp nơi trên thế giới, mà Trường Đại học Bách khoa (thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) không nằm ngoài xu thế tích cực này. Trước đó, DCSELAB cũng đã phát triển thành công buồng khử khuẩn dùng công nghệ siêu âm run, không gây ướt người, đã được ứng dụng sơ khởi tại Thành đoàn TP Hồ Chí Minh và Viện Y Dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh. Và máy trợ thở “made in Bách khoa” dựa theo thiết kế ban đầu của MIT đang chờ các chuyên gia xem xét và đánh giá để có thể được đưa vào sản xuất khi có nhu cầu.
Nguồn: http://www.vista.gov.vn/UserPages/News/detail/tabid/73/newsid/20938/seo/Dai-hoc-Bach-khoa-Dai-hoc-Quoc-gia-TP-Ho-Chi-Minh-che-tao-may-tho/language/vi-VN/language/vi-VN/Default.aspx