Với tham vọng đào tạo ra lứa đầu tiên các nhà lãnh đạo và chuyên gia cao cấp về AI cho Việt Nam, Đại học Bách Khoa Hà Nội vừa ký với tập đoàn công nghệ hàng đầu Hàn Quốc Naver Biên bản Ghi nhớ về việc hợp tác, đưa trung tâm đào tạo và nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo (AI) đi vào hoạt động.
Tập đoàn Naver, được mệnh danh là “Google của Hàn Quốc”, và Đại học Bách Khoa Hà Nội sẽ xây dựng một trung tâm đào tạo và nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo nhằm cho ra đời lớp lãnh đạo và chuyên gia cao cấp đầu tiên về lĩnh vực này tại Việt Nam.
Tại lễ ký kết, PGS. Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường, nhận định “nhân lực và tri thức công nghệ đã trở thành yếu tố cạnh tranh cốt lõi của mỗi doanh nghiệp và mỗi tổ chức”. Do ngày càng ý thức được tầm quan trọng của AI, cả doanh nghiệp tư nhân và các chính phủ đều đẩy mạnh đầu tư vào việc ứng dụng AI. Một báo cáo của Deloitte, tập đoàn toàn cầu về dịch vụ tư vấn, dự đoán giá trị thị trường toàn cầu liên quan đến AI sẽ tăng mạnh lên 6.000 tỷ USD vào năm 2025 và duy trì tỷ lệ tăng trưởng gộp là 30% từ 2017 đến 2025. Theo công ty nghiên cứu thị trường CB Insights, các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực AI trên toàn cầu năm 2019 đã gọi được mức vốn kỷ lục 26,6 tỷ USD, tăng 60% so với hai năm trước đó.
Tất cả các trường đại học lớn về khoa học và kỹ thuật trên thế giới đều đang nỗ lực đón đầu ngọn sóng công nghệ tiếp theo – Trí tuệ Nhân tạo. Theo báo cáo AI Index 2018, số lượng sinh viên bậc đại học theo đuổi ngành này liên tục tăng. Tại Mỹ, con số này tăng gần 4 lần từ 2012 đến 2018. Tại Trung Quốc, riêng đại học Thanh Hoa đã chứng kiến số lượng sinh viên ghi danh vào các khóa học AI tăng 16 lần trong vòng 7 năm.
Không nằm ngoài xu thế của thế giới, năm 2019, Đại học Bách Khoa Hà Nội mở ngành học mới về Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo. “Việc này cho thấy vai trò dẫn dắt của Bách Khoa Hà Nội trong việc đào tạo chuyên gia trong các lĩnh vực then chốt của công nghệ 4.0”, PGS. Tạ Hải Tùng, Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông (SoICT), phát biểu. Là một trong 16 Viện đào tạo của Đại học Bách Khoa Hà Nội, SoICT hiện có 5 phòng nghiên cứu công nghệ 4.0 bao gồm thị giác máy tính, học máy, xử lý ngôn ngữ tự nhiên hay blockchain.
Theo PGS Tạ Hải Tùng, Việt Nam rất nhiều chuyên gia về khoa học dữ liệu và AI. Không chỉ Việt Nam mà trên thế giới, nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này rất thiếu. Trên khắp thế giới, năm 2018, chỉ có khoảng 10.000 chuyên gia đủ trình độ để giải quyết các vấn đề phức tạp trong lĩnh vực AI, theo ước tính của phòng nghiên cứu độc lập Element AI ở Montreal, Canada.
Ông Park Dongjin, Giám đốc Naver Phụ trách khu vực Châu Á Thái Bình Dương, cho biết: “Quyết định hợp tác với Đại học Bách Khoa Hà Nội nằm trong kế hoạch hiện thực hóa giấc mơ đánh bại những ông lớn ở Mỹ và Trung Quốc của chúng tôi”.
Naver là tập đoàn công nghệ đa quốc gia với hơn 3.500 nhân sự trên khắp thế giới. Được mệnh danh là “Google của Hàn Quốc”, Naver sở hữu công cụ tìm kiếm với hơn 42 triệu người sử dụng, chiếm 75% thị phần Hàn Quốc. Năm ngoái, theo Reuters, Naver thu về lợi nhuận ròng 583 tỷ won, tương đương 483 triệu USD. Hiện vốn hóa thị trường của tập đoàn trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc là hơn 40 tỷ USD.
Năm 2019 Naver công bố dự án Vành đai nghiên cứu AI toàn cầu, xây dựng mạng lưới các phòng nghiên cứu AI ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp và khu vực Đông Nam Á với trung tâm là Việt Nam. Thông qua “Vành đai nghiên cứu AI toàn cầu”, Naver sẽ kết nối các học giả, các trường đại học, doanh nghiệp khởi nghiệp và các phòng nghiên cứu để trao đổi chuyên môn và hợp tác phát triển công nghệ AI. Tập đoàn Hàn Quốc kỳ vọng dự án này sẽ là đối trọng với những chương trình AI của Google và Amazon của Mỹ; Alibaba và Baidu Trung Quốc.