Trong bối cảnh hội nhập, mức độ cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt, đầu tư vào phát triển năng lực công nghệ, bao gồm nghiên cứu và phát triển (R&D) là con đường ngắn nhất để doanh nghiệp (DN) đạt được hiệu quả, tăng năng lực cạnh tranh và có thể giành được vị thế cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Tăng mức chi cho khoa học – công nghệ

Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), một dấu hiệu đáng mừng là tỷ lệ đầu tư cho KH&CN đã chuyển dịch mạnh và ngày càng tăng; đến nay vượt mức đầu tư từ ngân sách nhà nước. Đặc biệt, tỷ trọng đầu tư cho KH&CN giữa nhà nước và DN không còn ở mức 7:3 như đầu thập kỷ này mà đổi lại là mức 5,2:4,8. Không chỉ các DN, tập đoàn lớn quan tâm nhiều hơn đến đầu tư cho KH&CN, DN vừa và nhỏ cũng có sự quan tâm và đầu tư thích đáng.

Đầu tư cho khoa học – công nghệ ngày càng tăng

Mặc dù, trong những năm gần đây, kinh phí đầu tư cho KH&CN của Việt Nam gia tăng đều qua các năm, tuy nhiên, theo báo cáo của Viện Kinh tế Việt Nam, tỷ lệ chi cho nghiên cứu phát triển trên GDP của Việt Nam còn ở mức rất thấp so với mức trung bình của thế giới; khi quy về một “mặt bằng” so sánh ở hàng rất thấp trong khu vực. Diễn đàn kinh tế thế giới cũng đánh giá, Việt Nam đang tụt hậu về mức độ sẵn sàng công nghệ, về đổi mới sáng tạo và năng suất lao động so với một số nước ở châu Á như: Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia và Singapore.

Theo thống kê, chi cho KH&CN của cả khu vực nhà nước và tư nhân Việt Nam hiện nay chỉ khoảng 0,44% GDP, khá thấp so với bình quân của thế giới là 2,23% GDP, trong đó Thái Lan 0,78% GDP; Singapore 2,2% GDP; Malaysia 1,3% GDP, Trung Quốc 2,1% GDP. Do đó, nếu không mạnh dạn đầu tư cho KH&CN và đổi mới sáng tạo, chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong chính “cái hố” năng suất thấp, giá trị gia tăng thấp và bẫy thu nhập trung bình. Vì vậy, cả nhà nước và khu vực tư nhân cần nhận thức đúng tầm quan trọng của đầu tư cho KH&CN và ưu tiên chi cho KH&CN một cách tương xứng, hiệu quả hơn, chú trọng tính thiết thực, hiệu quả, không làm theo phong trào, gây lãng phí.

Cần khuyến khích đầu tư

Nhằm hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, Bộ KH&CN đã và đang thực hiện các chương trình như: Đổi mới công nghệ quốc gia, phát triển sản phẩm công nghệ cao, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia… Thông qua các chương trình và quỹ, DN có thể nhận sự hỗ trợ phù hợp về tài chính và được tư vấn để đổi mới công nghệ. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã hỗ trợ các DN xây dựng và triển khai thành công nhiều dự án công nghệ cao, hiện đại, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, các DN Việt Nam còn thiếu sự chủ động trong việc tiếp cận công nghệ mới, chưa quan tâm đầu tư công nghệ trong sản xuất. Bên cạnh đó, các chính sách của nhà nước chưa khuyến khích được DN đầu tư vào công nghệ cũng như sức lan tỏa của các chính sách hỗ trợ DN đổi mới công nghệ chưa cao, thủ tục hành chính rườm rà khiến DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa khó tiếp cận. Vì vậy, Việt Nam cần tạo dựng môi trường thuận lợi cùng các thể chế, chính sách mới để DN thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ.

Trước mắt, ngành KH&CN cần sớm hoàn thiện Chỉ thị về thúc đẩy hấp thụ, phát triển và đổi mới công nghệ, sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của DN, bao gồm phát huy Quỹ phát triển KH&CN của DN; khuyến khích hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm xã hội để đầu tư cho nghiên cứu phát triển và thương mại hóa sản phẩm sáng tạo; đề án hoàn thiện thể chế để thu thút nguồn lực xã hội đầu tư cho KH&CN và đổi mới sáng tạo, nhất là từ DN…

Theo Bộ KH&CN, nhu cầu tự thân của DN trong nghiên cứu, đổi mới, chuyển giao công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa chưa bắt kịp với xu thế phát triển của thị trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Nguồn: congthuong.vn