Cơ chế, chính sách hỗ trợ từ trung ương đến địa phương cho các doanh nghiệp công nghệ cao thì có nhiều nhưng phần lớn các doanh nghiệp chưa tận dụng được.

Không thiếu chính sách

Trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ các DN đầu tư vào khoa học và công nghệ (KH&CN), trong đó có phát triển sản phẩm công nghệ cao (CNC). Đó là Luật Công nghệ cao quy định DN thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm CNC được hưởng ưu đãi cao nhất về đất đai, thuế nhập khẩu, thuế thu nhập DN, được ưu tiên xét chọn tham gia thực hiện các dự án có sử dụng vốn ngân sách của nhà nước. Chương trình Quốc gia về phát triển CNC đến năm 2020 cũng có những hỗ trợ và tạo điều kiện cho ứng dụng, sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ CNC, bảo lãnh vốn vay, được vay vốn tín dụng Nhà nước, hỗ trợ kinh phí tham gia thương mại hóa sản phẩm,…

UBND TPHCM mới đây cũng đã công bố danh mục gồm 43 sản phẩm CNC thuộc 6 nhóm ngành được thành phố ưu tiên đầu tư. Tính đến cuối năm 2018, đã có 11 DN được chứng nhận DN CNC và hoạt động ứng dụng CNC trên địa bàn thành phố.

Khu CNC TPHCM có nhiều các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho DN CNC

Ông Chu Bá Long, Phó trưởng phòng Phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường công nghệ (Sở KH&CN TPHCM), cho biết, ngoài các chính sách trên, TP.HCM còn có nhiều chính sách khác như chương trình kích cầu đầu tư hỗ trợ toàn bộ lãi suất trong thời gian 7 năm vốn vay cho các dự án đầu tư xây dựng, trang bị công nghệ, thiết bị; hỗ trợ đến 100% tổng kinh phí cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của thành phố… Ngoài ra, Thành phố còn hỗ trợ tối đa 30% tổng kinh phí thực hiện các dự án nghiên cứu đổi mới công nghệ, thương mại hóa sản phẩm từ kết quả nghiên cứu.

Khu CNC TPHCM cũng có nhiều chính sách ưu đãi như hưởng ưu đãi thuế thu nhập trong 15 năm, đối với dự án lớn có đóng góp cho phát triển KT – XH, KH&CN của Thành phố và Việt Nam, thời gian ưu đãi này có thể lên đến 30 năm. Các DN được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng bằng 0 đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án và cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Bên cạnh đó, những sản phẩm CNC được miễn thuế xuất khẩu và giá trị gia tăng bằng 0; miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng (không quá 3 năm);…

Theo ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở KH&CN TPHCM, mặc dù có nhiều những cơ chế, chính sách hỗ trợ từ trung ương đến địa phương cho DN CNC, tuy nhiên mới chỉ một số ít DN tận dụng được những ưu đãi này. Phần lớn các DN chưa biết hoặc rất ít quan tâm.

“Sở KH&CN TPHCM đã tổ chức khá nhiều buổi hội thảo giới thiệu các cơ chế, chính sách cho DN CNC, DN KH&CN, thậm chí mời chuyên gia tư vấn miễn phí cho DN những vấn đề mà họ chưa rõ. Mặc dù vậy, rất ít các DN đến nghe hoặc cùng Sở tháo gỡ những vướng mắc” – ông Thanh chia sẻ và cho biết thêm, muốn được hưởng nhữngchính sách ưu đãi, DN cần làm đúng, làm đủ hồ sơ và các thủ tục liên quan. Việc các thủ tục này còn rườm rà, mất nhiều thời gian cũng là nguyên nhân khiến các DN CNC “ngại” tiếp cận với những quyền lợi của mình.

Ông Nguyễn Văn Trí – Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc, cho biết, để nhận được ưu đãi về thuế thu nhập cho DN CNC, công ty của ông phải mất thời gian hơn một năm và phải đi lại nhiều lần, chờ đợi từ các đơn vị liên quan. “Những thủ tục còn rườm rà, phức tạp, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho DN nên còn mất nhiều thời gian, khiến DN không hào hứng và nản lòng khi đến làm việc với các cơ quan của nhà nước” – ông Trí nói và cho rằng “cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính để DN CNC không mất nhiều thời gian đi lại, giúp DN yên tâm phát triển”.

Theo ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội CNC TPHCM, hỗ trợ của nhà nước là quan trọng, nhưng cái mà các DN CNC cần hơn là một “không gian thử nghiệm” để các DN CNC để có thể ứng dụng, thử nghiệm các sản phẩm, giải pháp và tìm cơ hội kết nối các doanh nghiệp với những đơn vị sẵn sàng sử dụng các dịch vụ, sản phẩm của mình.

 

DN CNC mong muốn sản phẩm của mình được ứng dụng rộng rãi trong nước

Ông Trung cũng đề xuất, Sở KH&CN TPHCM là đầu mối tập hợp các yêu cầu công nghệ của các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, cơ quan quản lý nhà nước,… Hội CNC TPHCM sẽ là nơi tìm những công nghệ đang sẵn có, thỏa mãn được yêu cầu ứng dụng.

Theo ông Đào Đức Diễn – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đức Thành, TPHCM là địa phương ít hoặc không có nhiều điều kiện về quỹ đất, tài nguyên thiên nhiên để sản xuất trực tiếp một số ngành như vật liệu xây dựng. Vì vậy, TPHCM có thể hỗ trợ cho các tỉnh khác bằng cách sáng tạo, nghiên cứu, thiết kế, sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, chuyển giao công nghệ cho các địa phương. “Sở KH&CN TPHCM cần tạo liên kết TPHCM với các tỉnh thành trong khu vực để phát triển các sản phẩm CNC” – ông Diễn kiến nghị.

 

Theo: khoahocphattrien.vn