Lãnh đạo một số doanh nghiệp (DN) công nghệ cho rằng, thời gian qua Nhà nước đã quan tâm đầu tư, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho DN công nghệ phát triển. Tuy nhiên, vẫn nhiều ý kiến cho rằng, còn nhiều lĩnh vực, chính sách chưa đủ mạnh để thúc đẩy, khuyến khích và thậm chí là tạo áp lực để DN “lớn”.
Muốn phát triển lớn mạnh, DN công nghệ cần nhiều điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách. Ảnh: ST.
Nhiều rào cản
Trong khu vực, các nền kinh tế như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan tiến lên top đầu thế giới về công nghệ chỉ trong khoảng vài thập kỷ gần đây. Động lực tăng trưởng chính của các quốc gia, nền kinh tế này chính là dựa vào nền tảng công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông. Các DN, tập đoàn công nghệ như Sony, Toshiba, Samsung, LG, Foxconn… đã đi đầu trong việc phát triển nhiều công nghệ mới của thế giới, qua đó thể hiện sức mạnh kinh tế của các quốc gia này.
Còn tại Việt Nam, theo lãnh đạo một số DN công nghệ, sự an toàn, minh bạch của môi trường kinh doanh, cắt giảm điều kiện kinh doanh, giảm tối đa thủ tục hành chính mà Chính phủ đang cam kết thực thi là hành lang rất tốt và là bước đệm giúp DN công nghệ phát triển. Tuy nhiên, điều này cần nhưng chưa đủ, DN công nghệ cần nhiều hơn nữa để có thể “lớn”.
Nhìn từ thực tế hoạt động của các DN công nghệ hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng, các chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho DN công nghệ chưa tập trung nhiều vào việc hỗ trợ thương mại hóa thành công các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ. Chính sách phát triển thị trường công nghệ chủ yếu tập trung vào việc tổ chức các hoạt động xúc tiến chuyển giao công nghệ và phát triển các tổ chức dịch vụ trung gian, chưa có những hỗ trợ trực tiếp dành cho DN công nghệ để thương mại hóa sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Trưởng phòng Chính sách công và quản lý Fulbright, việc đẩy nhanh tốc độ phát triển nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể dựa vào các DN công nghệ. Lý do được đưa ra là bởi nhóm DN này luôn có tốc độ tăng trưởng cao hơn 2,5 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP.
Tuy nhiên, theo ông Thành, hiện Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi dành cho DN công nghệ như miễn thuế thu nhập DN, ưu đãi về lãi suất, ưu đãi về đất đai nhưng nhiều DN vẫn chưa tiếp cận được với những ưu đãi này. Bên cạnh đó, quá trình thương mại hóa các kết quả khoa học, công nghệ của các DN còn gặp nhiều rào cản, như quy định về công nhận sản phẩm mới, tâm lý e ngại từ người tiêu dùng, khó thương mại hóa các sản phẩm hướng tới những đối tượng thu nhập thấp, vấn đề bảo hộ bản quyền sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, ý kiến từ một số DN công nghệ cho thấy, hiện việc đăng ký chứng nhận là DN công nghệ còn tồn tại nhiều quy định phức tạp khi phải chứng minh quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp kết quả nghiên cứu hay phải giải trình quá trình ươm tạo làm chủ công nghệ.
Ông Lữ Thành Long, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Misa cho rằng, không phải DN nào cũng sẵn sàng chia sẻ bí quyết công nghệ. Ngay cả khi nhận được chứng nhận thì những DN công nghệ cũng gặp trở ngại về vốn khi khó tiếp cận được những hỗ trợ đầu tư từ phía Nhà nước vì phải trải qua nhiều thủ tục phức tạp, nhiều khâu trung gian.
Và để DN này phát triển lớn mạnh, theo chuyên gia đến từ Fulbright, việc phát triển các cụm ngành công nghệ sáng tạo, thúc đẩy đổi mới nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng hay thúc đẩy sự tham gia của các quỹ đầu tư mạo hiểm là đặc biệt cần thiết. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần đặc biệt lưu tâm đến yếu tố tài chính, tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn để phát triển.
“Chính phủ không thể rót vốn liên tục cho các start-up, tuy nhiên cơ quan quản lý nhà nước có thể đưa ra những giải pháp khác bằng những ưu đãi về thuế, như các ưu đãi về thuế đối với nhóm nhân lực trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển (R&D)”, ông Thành nêu.
Nhấn mạnh các giá trị cốt lõi
Việc ứng dụng và phát triển công nghệ, xây dựng cộng đồng các DN công nghệ Việt Nam sẽ là một trong các giải pháp đột phá để kinh tế Việt Nam bứt phá là thực tế không cần bàn cãi, song đích đến còn khá gian nan. Quan điểm của ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC cho rằng, trong khoảng 10 năm trở lại, những DN công nghệ hàng đầu trên thế giới đã có chiến lược xây dựng hệ sinh thái xung quang các sản phẩm cốt lõi- thế mạnh của họ để duy trì và phát triển lợi thế cạnh tranh, chẳng hạn như Amazon, Alibaba, Apple, Microsoft, Google… Trong đó hầu hết các hệ sinh thái đều hướng tới việc tạo ra nền tảng để liên kết các phần cứng kỹ thuật, phần mềm trên nền tảng Internet, hệ điều hành và các ứng dụng trên các phần cứng đó.
Nhìn từ thế giới và áp dụng vào Việt Nam, Chủ tịch HĐQT CMC cho rằng, Nhà nước cần có lộ trình và chiến lược để hỗ trợ DN công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, trở thành trụ cột của nền kinh tế quốc dân, vươn tầm thế giới. Bởi theo ông Chính, sự trỗi dậy của các DN công nghệ Trung Quốc trên thị trường toàn cầu như Huawei, ZTE, Alibaba… là những minh chứng rõ nhất cho việc chính phủ nước này chú trọng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ.
Bên cạnh đó, Chủ tịch HĐQT CMC cho rằng, các quốc gia trên thế giới hiện đều đang hoàn chỉnh các thể chế chính sách để phù hợp với kinh tế số. Việt Nam cũng đã có những thay đổi nhưng còn tương đối chậm và chưa đáp ứng được các yêu cầu về sự thay đổi về kinh tế số. Vậy nên, Chính phủ sớm có quy định rõ ràng thế nào là kinh doanh số, điều kiện để kinh doanh số và ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh, phân phối của DN.
Để kích thích DN chuyển đối số, theo vị này, Chính phủ nên có khuyến khích DN chuyển đối số nâng lên ứng dụng công nghệ số dành quỹ trước khi đóng thuế cao lên, để khuyến khích DN đó ứng dụng công nghệ số, được trừ trước thuế. “Đặc biệt, trong trong bối cảnh hiện nay, các DN công nghệ cần nhận thức để thay đổi, bởi nếu không sẽ khó thích ứng và nằm ngoài cuộc chơi về kinh tế số”, ông Chính nói.
Về phía DN, Chủ tịch HĐQT CMC cho rằng, cần chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ hướng tới chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế World Class vừa bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nước, vừa nâng cao sức cạnh tranh, xuất khẩu.
Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, bà Tô Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, để tạo điều kiện cho DN cần sửa đổi các bất cập liên quan đến chính sách ưu đãi đầu tư, có cơ chế chuyển giao, hợp tác trong hoạt động nghiên cứu- phát triển của các DN. Đồng thời, Việt Nam cần hoàn thiện cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách, đủ thẩm quyền để phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thám, đồng thời bố trí nguồn lực, chính sách ưu đãi để phát triển một số DN lớn có tiềm năng trở thành các tập đoàn công nghệ của Việt Nam. Có như vậy DN trong lĩnh vực công nghệ mới lớn mạnh được.
Theo: baohaiquan.vn