Nhiều doanh nghiệp điển hình ở Bình Dương đã nâng cao năng suất, chất lượng, tiết giảm chi phí nhờ ứng dụng công nghệ, áp dụng các công cụ quản lý chất lượng vào sản xuất.
Ngành công nghiệp Bình Dương tiếp tục đà tăng trưởng ổn định
Theo bà Dương Thị Tú Trinh – Giám đốc Công ty Máy chế biến gỗ Thượng Nguyên (Bình Dương), để đứng vững và mở rộng thị trường xuất khẩu, Công ty đã mạnh dạn đầu tư trang bị máy móc công nghệ sản xuất hiện đại, theo đúng Tiêu chuẩn quốc tế. Việc đầu tư máy móc công nghệ này sẽ giúp công ty nâng cao năng suất lao động, gảm thiểu lao động chân tay… từ đó tạo ra nhiều sản phẩm kết cấu, mẫu mã mới, đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi ngày càng khó tính của thị trường, nhất là đối với mặt hàng cao cấp về chất lượng và mỹ thuật.
Theo Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), các DN cần đầu tư nhiều hơn cho thiết kế cũng như trang bị thêm công nghệ để tăng lợi thế cạnh tranh, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Đầu tư công nghệ, đổi mới quản trị hiện nay đã và đang là xu hướng sống còn đối với các DN ngành gỗ Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng. Bên cạnh đó, các DN cần chú trọng nâng cao vai trò, trách nhiệm của người lao động, quan tâm tốt hơn đời sống của người lao động để họ gắn bó lâu dài với DN.
Tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Minh Long I (gọi tắt Minh Long I) được coi là một trong những “cánh chim đầu đàn” trong việc đổi mới sáng tạo, áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) vào trong sản xuất. Lãnh đạo Công ty Minh Long I cho biết, cách đây hơn 10 năm trong khi các cơ sở sản xuất gốm sứ trong nước còn sử dụng công nghệ cũ, Minh Long I nhận thấy muốn phát triển thì phải đổi mới, do đó đã mạnh dạn đổi mới công nghệ sản xuất. Minh Long I đã tìm kiếm các giải pháp khác nhau, công ty đã chọn giải pháp đốt một lần lửa đối với gốm sứ cao cấp, qua nhiều lần thử nghiệm, quy trình sản xuất này đã hoàn thiện và phát huy hiệu quả.
Hệ thống lò nung gốm bằng gas
Đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất – Thương mại dịch vụ gốm Chấn Thành (gọi tắt gốm Chấn Thành) – xã An Điền, thị xã Bến Cát, thực hiện chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương trong việc áp dụng KH&CN vào sản xuất, công ty đã chuyển đổi từ nung sản phẩm gốm bằng củi sang bằng gas. “Là công ty chuyên sản xuất các sản phẩm gốm ngoài trời, chậu… trong đó nhiều sản phẩm có diện tích lớn đòi hỏi có thời gian nung lâu. Từ khi áp dụng nung sản phẩm bằng gas thì thời gian nung đã giảm xuống đáng kể và có thể nung bất kỳ thời điểm trong ngày, trước đây nếu nung bằng củi thì củi phải phơi khô, bảo quản kỹ trước khi nung…”, ông Lý Chí Thành, Giám đốc gốm Chấn Thành cho biết.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi từ lò nung bằng củi sang lò nung bằng gas đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiết kiệm chi phí trong quá trình sản xuất. “Từ khi chuyển sang lò nung bằng gas, chi phí cho nguyên liệu đốt đã giảm hơn 40% so với nung bằng củi. Ngoài ra, lượng nhiệt thoát ra trong quá trình nung được dùng để sấy khô các sản phẩm ướt khác; đồng thời lượng khói thải ra môi trường rất ít”, ông Lý Chí Thành nói.
Theo một báo cáo mới nhất, 6 tháng đầu năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 8,08% so với cùng kỳ năm trước. Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã ký được đơn hàng sản xuất, xuất khẩu đến hết quý III-2019, một số DN đã ký đơn hàng cho cả năm 2019.
Để đạt được kết quả này, các DN trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã chú trọng cải tiến, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và đáp ứng kịp thời nhu cầu các đơn hàng. Với ngành gỗ, các DN trong tỉnh đang đứng trước cơ hội thị trường quốc tế đang rộng mở.
Theo: vietq.vn