Thời gian gần đây, nhiều vùng trên cả nước đã ghi nhận liên tiếp các trường hợp nuôi cá chết hàng loạt, gây thiệt hại nặng nề cho ngành thủy sản.
Một trong những nguyên nhân được xác định là do tình trạng ô nhiễm nguồn nước nghiệm trọng; đặc biệt là ảnh hưởng từ nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt. Những chất thải như chì, bùn, amoniac, xyanua.v.v là những chất độc hại khiến cho nguồn nước thủy sản bị ô nhiễm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và khả năng sống của động vật thủy sản.
Thực tế này đòi hỏi: Để phát triển bền vững, cần tăng cường vai trò quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường của chính quyền các cấp, các ngành chức năng trong việc thực thi Luật Bảo vệ Môi trường đối với các cơ sở nuôi trồng và chế biến thủy hải sản.
Đầu tiên phải kể đến Quyết định số 5204/BNN-TCTS của Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Dự án Quan trắc môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2015-2020.
Quan trắc môi trường vùng nuôi trồng thủy sản sẽ cung cấp diễn biến môi trường vùng nuôi giúp người nuôi chủ động trong công tác quản lý chất lượng nước trong ao nuôi và phòng ngừa dịch bệnh có hiệu quả, đồng thời là nguồn cơ sở dữ liệu làm căn cứ giúp cơ quan quản lý xây dựng lịch mùa vụ, nắm được xu hướng diễn biến môi trường nuôi trồng thủy sản phục vụ chỉ đạo sản xuất và quản lý nuôi trồng thủy sản hiệu quả, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh, đảm bảo phát triển bền vững.
Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các Bộ, ngành có liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải phù hợp với tính chất đặc thù của các cơ sở nuôi trồng chế biến thủy sản tập trung và sản xuất chế biến khác trong lĩnh vực nông lâm thủy sản.
Trước tác động của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu gây ra, hoạt đồng nuôi trồng thủy sản ở các địa phương ngày càng gặp nhiều khó khăn. Hiện việc nuôi trồng thủy sản đang gặp phải nhiều vấn đề về môi trường như: tình trạng ô nhiễm môi trường nuôi ở mức đáng báo động. Liên tục trong những năm gần đây, tình trạng tôm, cá, nhuyễn thể chết ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước gây thiệt hại lớn cho người nuôi.
Từ thực tế trên có thể thấy, bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản đang trở thành vấn đề bức xúc, cần được tập trung giải quyết để bảo đảm sự phát triển bền vững.
Để nâng cao chất lượng và sản lượng thủy hải sản, một trong những yếu tố quan trọng là kiểm soát chất lượng giống đầu vào và chất lượng thức ăn. Ngoài ra, khâu kiểm soát chất lượng nước cũng là yếu tố cực trọng trong nuôi thủy sản bởi nó quyết định đến hiệu quả của thức ăn, tốc độ sinh trưởng và tỉ lệ sống của tôm nhưng yếu tố này lại rất khó dự đoán và kiểm soát.
Chất lượng nước phụ thuộc vào chất lượng nguồn nước, chất đất, chế độ cho ăn, thời tiết, công nghệ và chế độ quản lý đầm nuôi, được đánh giá bằng nhiều thông số sinh, hóa, lý khác nhau; và cần được kiểm tra liên tục để có thể kịp thời điều chỉnh để bảo vệ con nuôi.
Với phương pháp truyền thống, hàng ngày người nuôi chỉ lấy mẫu nước 1 đến 2 lần và dùng các phương pháp thử mẫu truyền thống để xác định chất lượng nguồn nước. Phương pháp này sẽ không thể xác định kịp thời nguồn nước bị ô nhiễm hoặc chất lượng kém để điều chỉnh, nguồn nước chất lượng kém không đạt yêu cầu là một trong những nguyên nhân đem đến rủi ro lớn nhất cho người nuôi tôm.
Góp phần giải quyết vấn đề này, một nhóm nhà khoa học ở Đại học Bách khoa Hà Nội đã nghiên cứu và phát triển hệ thống giám sát môi trường nước trong nuôi trồng thủy sản. Hệ thống được thiết kế với đầy đủ thiết bị đo các chỉ số tiêu chuẩn môi trường cần thiết nhất cho việc nuôi trồng thủy sản. Thông qua hệ thống, người sử dụng chỉ cần theo dõi qua máy tính hoặc điện thoại là hoàn toàn có thể giám sát được tình trạng chất lượng nước trong ao nuôi.
Sau khi lắp đặt hệ thống giám sát, dữ liệu sẽ được gửi trực tiếp hoặc truyền thông không dây về các máy trạm đặt tại từng ao; sau đó các máy trạm sẽ thực hiện công việc gửi dữ liệu về máy chủ trung tâm để hiện thị các tham số đo, cảnh báo và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ việc nghiệp vụ nuôi trồng thủy hải sản, dự báo khả năng dịch bệnh,… cho người dùng hoặc các cơ quan quản lý.
Trong thường hợp giá trị của các tham số đo vượt ngưỡng quy định, hệ thống sẽ tự động gửi cảnh báo cho người dùng thông qua tin nhắn SMS hoặc email. Thông qua đó người nuôi sẽ giám sát được nguồn nước ao nuôi một cách chính xác, kịp thời có giải pháp điều chỉnh nguồn nước ao nuôi luôn được đảm bảo, giúp tăng năng suất và giảm rủi ro cho người nuôi. Nhờ vào nguồn dữ liệu lưu trữ, người nuôi sẽ quan sát được thông số môi trường ao nuôi cho cả vụ qua để đánh giá và rút kinh nghiệm cho các vụ nuôi tiếp theo.
Qua quá trình triển khai thực địa, nhóm nghiên cứu cho biết tùy theo diện tích ao nuôi mà người sử dụng có thể lắp đặt từ 1 đến 2 thiết bị là đã có thể đo được tham số chuẩn yêu cầu.
Tuy nhiên, nhóm cũng lưu ý người sử dụng cần tuân thủ theo quy trình bảo hành, bảo trì, bảo dưỡng của đầu đo để sản phẩm bền, đặc biệt là trong môi trường nước mặn.
Được biết, thiết bị có giá từ 20-30 triệu đồng, rẻ hơn nhiều so với thiết bị cùng loại nhập ngoại.
Hiện nhóm nghiên cứu đang tiếp tục cải tiến hệ thống để phù hợp hơn với nhu cầu nuôi trồng thủy sản của người dân. Thời gian tới nhóm sẽ triển khai nhân rộng mô hình này tới các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long – nơi ngành nuôi trồng thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn.
Với nhiều lợi ích nổi bật về mặt kinh tế cho người nuôi trồng, cùng với thiết kế tối ưu, vận hành đơn giản và tiết kiệm chi phí, hệ thống giám sát môi trường nước trong nuôi trồng thủy sản của nhóm các nhà khoa học ở Đại học Bách Khoa Hà Nội đã và đang được kỳ vọng sẽ góp phần kiểm soát tốt chất lượng nước, một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng trong nuôi trồng thủy sản.
Thời gian qua, để thúc đẩy việc ứng dụng các đề tài nghiên cứu vào thực tiễn cuộc sống, Bộ KH&CN đã tham mưu cho Chính phủ để đưa ra được các chương trình, thể chế phù hợp với tình hình phát triển kinh tế và các nguồn lực sẵn có để từng bước phát triển thị trường khoa học và công nghệ.
Nổi bật trong số đó có thể kể đến là chương trình Phát triển thị trường Khoa học và Công nghệ đến năm 2020 hay còn gọi là chương trình 2075. Thông qua chương trình, nhiều dự án, mô hình công nghệ đã được quảng bá rộng rãi đến người dân và xã hội.
Một trong những kênh quảng bá hiệu quả là thông qua các sự kiện như: TechDemo hay Techfest.v.v. Tại những sự kiện này, hàng nghìn công nghệ được giới thiệu, trong đó có “Làng Công nghệ Nông nghiệp” mang đến một không gian kết nối cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh lớn chưa từng có tại Việt Nam.
Việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp là trọng tâm cũng như định hướng phát triển của đất nước trong thời kỳ hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Bởi nông nghiệp 4.0 sẽ là một cuộc cách mạng dựa trên nền tảng KH&CN, kết hợp chặt chẽ giữ nhu cầu của xã hội, khách hàng với sự đổi mới sáng tạo. Mô hình trang trại thông minh, sản xuất theo chuỗi giá trị kết hợp với nền tảng công nghiệp công nghệ chéo như công nghệ in 3D, IoT, Chatbots, thiết bị không người lái, Blockchain, công nghệ Nano… vào sản xuất nông nghiệp…
Đặc biệt, tại Techfest 2019 vừa qua cũng đem đến những kết quả kết nối về cung – cầu công nghệ ấn tượng và góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN.
Cụ thể Techfest Vietnam 2019 đã tập trung tham vấn cho các nhà hoạch định chính sách những vấn đề nhằm thu hút các nguồn lực trong nước, nước ngoài để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và thúc đẩy hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong hệ sinh thái khởi nghiệp diễn ra hiệu quả; thảo luận về các xu hướng công nghệ trên thế giới; chia sẻ của các điển hình khởi nghiệp thành công; chia sẻ kinh nghiệm của những nhà đầu tư, diễn giả, chuyên gia hàng đầu về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đầu tư cho khởi nghiệp.
Cũng trong năm 2019 vừa qua, Techfest không chỉ được tổ chức ở cấp các địa phương và quốc gia của Việt Nam mà còn từng bước được tổ chức ở những quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phát triển trên thế giới như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Singapore, thu hút được sự quan tâm, tham dự của đông đảo các quỹ, các nhà đầu tư và các nhóm khởi nghiệp trên thế giới.
Các Techfest quốc tế còn là cơ hội cho các startup của Việt Nam tiếp cận với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại các quốc gia phát triển cũng như thu hút các chuyên gia, nhà đầu tư quốc tế tham gia vào các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo đang triển khai tại Việt Nam.
Với những thành công trải dài trên các vùng miền với nhiều hoạt động, sự kiện các lĩnh vực khác nhau, có thể nói hiệu quả bước đầu của Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020 đã được khẳng định, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành và phát triển thị trường KH&CN tại Việt Nam.
Truyền thông chương trình 2075