Trong khuôn khổ đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Nghiên cứu đề xuất giải pháp chính sách hỗ trợ phát triển các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ Việt Nam”, và dự án “Hỗ trợ phát triển tổ chức trung gian của thị trường khoa học công nghệ trong trường đại học khối ngành kinh tế”, ngày 12/6/2020 vừa qua tại Viện Đổi mới Sáng tạo UEH, trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Vai trò của các tổ chức trung gian trên thị trường Khoa học và công nghệ (KH&CN) tại Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0” và Tọa đàm “Mô hình kinh tế mới, sản phẩm khoa học công nghệ mới của thị trường khoa học công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”.
Phim giới thiệu về Đề tài xem tại đây
Hội thảo có sự tham dự PGS.TS. Lưu Bích Ngọc – Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực Bộ Giáo dục và Đào tạo, PGS.TS. Nguyễn Thanh Hà – Thành viên Hội đồng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, PGS.TS. Phan Thị Bích Nguyệt – Chủ tịch Hội đồng tư vấn UEH và Viện trưởng Viện Đổi mới Sáng tạo UEH, TS. Bùi Quang Hùng – Trưởng phòng Nhân sự, Phó Viện trưởng Viện Đổi mới mới sáng tạo, TS. Trần Mai Đông – Trưởng phòng Quản lý khoa học và Hợp tác Quốc tế, TS. Phạm Dương Phương Thảo – Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, cùng các nhà khoa học thực hiện đề tài, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, đại diện lãnh đạo các trường đại học, tổ chức khoa học công nghệ, đại diện Hiệp hội ngành nghề và cán bộ giảng viên các đơn vị trực thuộc UEH.
Phiên một của hội thảo trao đổi và thảo luận về vai trò, nhận diện loại hình, các tiêu chí đánh giá và các hình thức phát triển các tổ chức trung gian trên thị trường khoa học công nghệ Việt Nam. Từ đó có thể giúp các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách nắm bắt được nội dung, thông tin thực tế liên quan tổ chức trung gian KH&CN nhằm đưa ra khuyến nghị chính sách về việc đánh giá, quản lý và phát triển các tổ chức trung gian trong lĩnh vực KH&CN, phù hợp với thực tiễn và nhu cầu của nhiều đối tượng khác nhau, để hỗ trợ thị trường KH&CN phát triển với mục tiêu cuối cùng là phát triển các doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc Hội thảo,PGS.TS. Phan Thị Bích Nguyệtcho rằng: “Thị trường khoa học công nghệ ở Việt Nam rất sôi động, tuy nhiên, để thực hiện việc chuyển đổi ý tưởng từ nghiên cứu ra thị trường, và đưa các sản phẩm khoa học công nghệ tiếp cận với các doanh nghiệp trên cơ sở nghiên cứu thực sự còn rất nhiều rào cản, rào cản về pháp lý, rào cản về cơ chế, rào cản để cho cung gặp cầu, phân tích đánh giá những rủi ro thị trường. Thực tế những dữ liệu từ Việt Nam cũng như trên thế giới đã khẳng định: thị trường khoa học công nghệ càng phát triển, kinh tế cũng tăng trưởng mạnh hơn và sẽ tận dụng được tất cả trí tuệ của nhân loại, của các nhà nghiên cứu khoa học cho ứng dụng và phát triển kinh tế. Chính vì vậy, buổi Hội thảo rất có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay. Chúng ta sẽ lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, của các chuyên gia, của các doanh nghiệp, nhà quản lý để làm sao đề ra ý tưởng để tháo gỡ các khó khăn và phát triển các tổ chức khoa học công nghệ trung gian thật mạnh mẽ, có thể kết nối nhà trường & doanh nghiệp.”
Mở đầu buổi hội thảo là bài tham luận đến từ đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, TS. Phạm Ngọc Hiếu, Giám Đốc Trung tâm Mô phỏng công nghệ và phát triển sản phẩm, Bộ KH&CN với chủ đề “Gia tăng giá giá trị giao dịch công nghệ trên thị trường khoa học và công nghệ”. Trên cơ sở lấy giá trị giao dịch công nghệ làm trung tâm, bài tham luận đề xuất một số giải pháp nhằm gia tăng giá trị giao dịch công nghệ của thị trường khoa học và công nghệ phù hợp với xu hướng chuyển đổi số của Việt Nam trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, thông qua một số kết quả khảo sát bước đầu của đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Nghiên cứu đề xuất giải pháp chính sách hỗ trợ phát triển các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ Việt Nam”, PGS.TS Đào Thị Thanh Lam – trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã trình bày tại Hội thảo báo cáo về “Các tiêu chí đánh giá giá năng lực và hiệu quả hoạt động của các tổ chức trung gian khoa học và công nghệ tại Việt Nam”.
Các khách mời tham dự hội thảo đưa ra ý kiến trao đổi trong phần thảo luận của hội thảo với sự điều phối của PGS.TS. Vũ Minh Đức cùng sự tham gia của TS. Phạm Ngọc Hiếu và PGS.TS. Đào Thị Thanh Lam.
Buổi hội thảo còn có sự chia sẻ kinh nghiệm quản lý và điều hành thực tế của tổ chức trung gian trong thị trường khoa học và công nghệ: Trung tâm ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao của bà Lê Thị Bé Ba – Phó Giám đốc và Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. HCM của ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký hiệp hội.
Làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra ngày càng nhiều tri thức mới, sản phẩm khoa học công nghệ mới và sự xuất hiện của những mô hình kinh tế mới. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến định hướng hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tri thức của trường đại học. Tọa đàm khoa học “Mô hình kinh tế mới của thị trường khoa học và công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0” ở phiên thứ hai của Hội thảo là không gian để người tham dự cùng trao đổi về xu hướng phát triển mới của thị trường khoa học và công nghệ và các giải pháp để bắt kịp sự đổi mới sáng tạo.
Bài báo cáo “Cách tân đổi mới sáng tạo mô hình kinh doanh trong bối cảnh CMCN 4.0”, được trình bày bởi ThS Phạm Thanh Thúy Vy – Giảng viên Khoa Kinh doanh quốc tế – Marketing, trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đã làm rõ sự chuyển dịch và cách tân mới mô hình kinh doanh trong bối cảnh CMCN 4.0. Nhà nghiên cứu và cả doanh nghiệp cần phải đề xuất những giải pháp kịp thời để thích ứng với các áp lực thay đổi công nghệ ngành càng phổ biến trên thế giới.
Bài tham luận cũng là tiền đề mở ra thảo luận của các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ về giải pháp xây dựng mối liên kết “Ba Nhà” (Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp) trong việc chuyển giao tri thức và sản phẩm khoa học công nghệ mới đáp ứng nhu cầu của trường đại học (về mặt nghiên cứu) và doanh nghiệp (về mặt thụ hưởng). Phiên thảo luận diễn ra sôi nổi dưới sự điều phối của ThS. Nguyễn Thị Phương Thảo – Giám đốc Vườn ươm UII cùng sự tham gia của TS. Đỗ Thị Hải Ninh – Giám đốc Đào tạo & Hợp tác quốc tế UII và ThS. Phạm Thanh Thúy Vy.
Khép lại Hội thảo, PGS.TS. Phan Thị Bích Nguyệt đại diện 2 đơn vị bày tỏ sự biết ơn chân thành đến các chuyên gia, các nhà nghiên cứu khoa học đã dành thời gian quý giá đến tham dự và xin ghi nhận tất cả những ý kiến được trao đổi trong 2 phiên thảo luận tại Hội thảo. Đây đều những đóng góp hữu ích cho việc phát triển các tổ chức trung gian kết nối với thị trường khoa học công nghệ nhằm đáp ứng cung và cầu trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
Truyền thông Chương trình 2075