Mũ chống dịch Vihelm được tác giả thiết kế dựa trên cơ chế mặt nạ phòng độc, giúp người dùng ngăn virus, vào chung kết cuộc thi sáng tạo quốc tế ICAN.
Vihelm do Đỗ Trọng Minh Đức, du học sinh lớp 11 trường Montverde Academy (Mỹ) và Trần Nguyễn Khánh An, học sinh lớp 8 Trường Song Ngữ Quốc tế Hanoi Academy, phát triển trên cơ sở đề bài được nhà sáng chế Nguyễn Đình Nam giao trong khi Đức về nước tránh Covid-19 từ cuối tháng 5.
Sau hơn 2 tháng triển khai, mũ được hoàn thiện và đăng ký sáng chế. Phiên bản thứ hai được nâng cấp, hôm 1/8 đã gửi tham dự cuộc thi Đổi mới Sáng tạo Quốc tế ICAN lần thứ 5, năm 2020, do Mỹ và Canada đồng tổ chức, được Ban Tổ chức công bố lọt vào vòng chung kết.
Đặt tên sáng chế là “Vihelm” – Mũ chống dịch của Việt Nam, Minh Đức và Khánh An thực hiện sản phẩm với mục tiêu tìm cách tạo ra một mũ bảo vệ đường hô hấp có nhiều tính năng, ngăn sự lây nhiễm virus tạo được sự tiện nghi và thoải mái để tăng cường năng suất lao động cho người dùng trong bối cảnh Covid-19. Không chỉ đặt mục tiêu tham gia cuộc thi, cả hai tác giả trẻ đều mong muốn tạo ra được một sản phẩm thực sự hữu ích cho cộng đồng.
Ý tưởng chiếc mũ bảo hộ này dựa trên sản phẩm có sẵn là máy lọc không khí (máy thở, mặt nạ phòng độc) PAPR – Powered air-purifying respirator. Tuy nhiên, nó được thiết kế với kết cấu đơn giản hơn.
Mỗi chiếc mũ đều có gắn với găng tay để giúp cho các hoạt động như gãi ngứa trên mặt, lau mồ hôi, hắt hơi, lau chùi mũ… được đảm bảo thoải mái, an toàn, cách ly được virus. Đặc biệt, thiết kế có khoang có thể chứa thức ăn bên trong, giúp người dùng có thể thể ăn, uống khi phải làm việc trong điều kiện phòng chống dịch bệnh.
Khi đội mũ bảo hộ, không khí sẽ được bơm liên tục qua một bộ màng lọc virus, khiến virus không thể lây xuyên qua. Với hệ thống quạt làm thoáng khí được thiết kế, mũ sẽ không bị đọng hơi nước bên trong. Theo đó sẽ không làm ảnh hưởng tới tầm nhìn của người sử dụng. Giúp họ có thể dễ dàng hoạt động trong khi đội mũ. Như vậy, sử dụng mũ này, người dùng vừa phòng ngừa lây nhiễm chéo và vẫn có thể làm việc bình thường, không phải cách ly tập trung 14 ngày.
Tới thời điểm hiện tại, Vihelm đã hoàn thiện phiên bản thứ 2. So với phiên bản đầu, bản này cải tiến cả về thiết kế và màu sắc. Găng tay gắn theo mũ đã được đổi sang loại vải có chất liệu giống như khẩu trang y tế, có thể ngăn chặn sự tiếp xúc của virus và điều chỉnh để tiện sử dụng hơn khi lấy thức ăn hay điều hướng khi gãi, xoa mặt. Kết cấu của mũ nhỏ gọn hơn.
“Còn phải có thêm một vài phiên bản cải tiến nữa, để cho ra được một sản phẩm thực sự ưng ý và đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn trước khi đưa vào sản xuất”, Minh Đức nói. Các yếu tố cần cải tiến gồm: thiết kế, các chất liệu sử dụng để làm vỏ mũ, găng tay (làm sao để đảm bảo an toàn và vẫn tối ưu về kinh tế), thời gian sử dụng mũ tiện nghi lâu dài, giao tiếp thuận lợi.
Em cũng chia sẻ, với một sản phẩm đặc thù như Vihelm, yếu tố then chốt vẫn là đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn trong y tế. “Điều em băn khoăn nhiều nhất chính là bộ lọc không khí, làm thế nào để lưu thông mạnh hơn, đạt chuẩn. Team em đã thử dùng cả quạt trong CPU của máy tính nhưng chưa đạt, cần loại quạt làm mát công suất lớn hơn”, Đức nói.
Khánh An cho biết: “Vật liệu chính được sử dụng để làm ra Vihelm là nhựa PVC cho phần khung mũ và vải latex trên 6 lỗ tròn. Vì nguyên liệu chủ yếu là nhựa và vải ở Việt Nam có sẵn nên chiếc mũ hoàn toàn là “made in Việt Nam”. Theo thiết kế này, tính toán sơ bộ chi phí nguyên liệu sản xuất khoảng 60 USD (gần 1,4 triệu đồng), rẻ hơn rất nhiều so với những chiếc mũ PAPR của 3M hay Boston. Nhưng để sản xuất thì cần đầu tư bộ khuôn, máy CNC hoặc máy in 3D.
Hỏi về tương lai cho Vihelm, Minh Đức không ngại chia sẻ, bản thân chưa nghĩ đến chuyện chiếc mũ sẽ được nhân rộng sản xuất thương mại thế nào. Theo em, cải tiến là điều ai cũng có thể làm được, nhưng điều quan trọng là làm sao để sản phẩm được hoàn thiện, đảm bảo yêu cầu quan trọng nhất chính là tiêu chuẩn chất lượng về an toàn.
“Chúng con chưa nghĩ tới việc thương mại hóa Vihelm vì hiện nay mới đăng ký sáng chế, chưa được cấp bằng. Theo quy định, phải mất cả năm. Nhưng trong bối cảnh dịch hiện nay chúng con mong muốn có sự chung tay của các chuyên gia về vật liệu, lọc không khí và các nhà đầu tư có khả năng sản xuất nhanh trong 30 ngày, phục vụ công tác phòng chống dịch”. Minh Đức nói.
Nguồn: https://vnexpress.net/hoc-sinh-viet-sang-che-mu-ngan-ncov-4140435.html