Công nghệ mã vạch được doanh nghiệp dùng làm công cụ kiểm soát hàng hoá tự động, người dùng truy xuất được nguồn gốc.
Theo Báo cáo của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường Chất lượng, trong năm 2018 đã có hơn 5.000 doanh nghiệp được cấp mã số mã vạch mới. Cơ quan này cũng đang triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về mã số mã vạch nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá và hỗ trợ xuất khẩu các sản phẩm của Việt Nam ra thị trường quốc tế.
Năm 2018, phần mềm quét mã vạch trên điện thoại di động Scan&Check đã đưa vào sử dụng. Hiện Đề án truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa cũng được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng xây dựng, lấy ý kiến các bộ, ngành để trình Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt trong thời gian tới.
Việt Nam hiện có hơn 25.000 mã được cấp cho doanh nghiệp để quản lý hàng hóa. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan quản lý nhà nước về mã số mã vạch. Từ năm 1995, Tổ chức mã số mã vạch quốc tế (GS1) đã cấp đầu mã số quốc gia của Việt Nam là 893.
Từ quý III/2019, GS1 mà Việt Nam là thành viên yêu cầu tất cả doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu phải cập nhật đồng bộ đủ bảy thuộc tính của hàng hóa theo mã số mã vạch lên hệ thống dữ liệu đám mây (iCloud).
Bảy thuộc tính gồm: mã thương phẩm toàn cầu, nhãn hiệu sản phẩm, mô tả sản phẩm, tên chủ sở hữu, hình ảnh sản phẩm, thị trường mục tiêu, phân loại sản phẩm toàn cầu. Nếu không đồng bộ, thống nhất các thông số này, doanh nghiệp xuất khẩu hoặc buôn bán trực tiếp trên mạng sẽ không bán được hàng hóa.
Nguồn: Vnexpress