Nằm trong Dự án “Tuyên truyền, phát triển thương hiệu, kết nối cung cầu cho các sản phẩm được bảo hộ Sở hữu trí tuệ của tỉnh Hưng Yên”, 70  hộ sản xuất lớn nhất các sản phẩm nông nghiệp đặc thù của huyện Khoái Châu, Hưng Yên đã được tập huấn để ứng dụng công nghệ, đặc biệt ứng dụng các nền tảng công nghệ 4.0 trong quản lý phát triển nhãn hiệu được bảo hộ sở hữu trí tuệ tại Hưng Yên.

Sự kiện được tổ chức tại Hội trường UBND huyện Khoái Châu, Hưng Yên vào ngày 13/11/2019, do Phòng Nông nghiệp huyện Khoái Châu phối hợp với Dự án “Tuyên truyền, phát triển thương hiệu, kết nối cung cầu cho các sản phẩm được bảo hộ Sở hữu trí tuệ của tỉnh Hưng Yên” (Sở KH&CN Hưng Yên quản lý) thực hiện.

Toàn cảnh Hội nghị

Theo đó, các sản phẩm tiêu biểu được bảo hộ Sở hữu trí tuệ tại huyện Khoái Châu có thể kể tới như: Nhãn hiệu tập thể Gà Đông Tảo, Nhãn hiệu chứng nhận Chuối tiêu hồng Khoái Châu, Nghệ Chí Tân, Nhãn lồng, ….

Hội nghị được tổ chức với mục tiêu làm rõ vai trò của ứng dụng công nghệ trong quản lý phát triển nhãn hiệu được bảo hộ sở hữu trí tuệ tại Hưng Yên; Hướng dẫn, giới thiệu ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc CheckVN trong truyền thông phát triển thương hiệu và kết nối cung cầu các sản phẩm chủ lực của tỉnh; Đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý và phát triển nhãn hiệu đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ; Thuận lợi, khó khăn, giải pháp thương mại điện tử ứng dụng các nền tảng công nghệ 4.0 trong thúc đẩy phát triển các sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Thực tế cho thấy, nhiều nhãn hiệu sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi khi phát triển thương hiệu và sản xuất kinh doanh sản phẩm. Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Quang Thắng – Chủ tịch Hội chăn nuôi và kinh doanh Gà Đông Tảo đã chia sẻ, dù được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể từ năm 2015, nhưng nhãn hiệu Gà Đông Tảo Hưng Yên đã và đang đối mặt với khó khăn trong việc quản lý sử dụng nhãn hiệu, chất lượng sản phẩm và cách thức tiếp cận được với thị trường trong và ngoài nước. Thay mặt các hộ sản xuất thành viên Gà Đông Tảo, ông Thắng đã đề đạt mong muốn được tư vấn và hỗ trợ từ quản lý nhà nước, các đơn vị, tổ chức kinh doanh, thương mại để có thể quản lý được việc sử dụng nhãn hiệu cũng như tiếp cận được với thị trường một cách minh bạch và hiệu quả.

Đại diện phòng Nông nghiệp huyện Khoái Châu phát biểu tại Hội nghị

Các chuyên gia, đại diện siêu thị, chuỗi bán lẻ được mời tham dự hội nghị đã có những tư vấn đối với việc phát triển thương hiệu và tăng doanh số bán hàng cho các sản phẩm đã có nhãn hiệu được bảo hộ. Khẳng định sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của các ngành hàng chủ lực của Khoái Châu.

Cũng tại Hưng Yên, tháng 7/2019, trong buổi về làm việc với Sở KH&CN Hưng Yên Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng nhấn mạnh vai trò của ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ trong phát triển tài sản trí tuệ tại Hưng Yên cũng như tại các địa phương khác. Công nghệ cần phát huy được thế mạnh kết nối không giới hạn không gian và thời gian để nhà khoa học có thể đồng hành cùng nhà quản lý nhà nước gắn kết được nhà sản xuất được với doanh nghiệp và người tiêu dùng trên thị trường trong và ngoài nước.

Được biết, vào tháng 10/2019, hệ thống truy xuất nguồn gốc Hy.check.net.vn với ứng dụng CheckVN đã được ra mắt và bắt đầu vận hành tại Hưng Yên. Ứng dụng công nghệ CheckVN sẽ đem đến nhiều lợi ích trong quản lý chất lượng, phát triển thương hiệu và mở rộng thị trường cho các sản phẩm nông lâm thủy sản của Hưng Yên nói chung và cho các sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ nói riêng.

Cũng tại Hội nghị, các hộ sản xuất thành viên được trao tài khoản trên hệ thống thương mại điện tử với gian hàng “Nông sản Hưng Yên” do công ty Cp Công nghệ truyền thông (thuộc tập đoàn VNPT) trao chứng nhận hỗ trợ các hoạt động thúc đẩy bán hàng tăng lên đến 50% doanh thu hàng ngày.

Các hộ sản xuất nhận tài khoản trên hệ thống thương mại điện tử

Việc tổ chức Hội nghị “Tập huấn quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh Hưng Yên – Giải pháp thương mại điện tử ứng dụng các nền tảng công nghệ 4.0” đã góp phần đánh giá và tìm kiếm được các giải pháp công nghệ phù hợp phát triển thương hiệu và kết nối cung cầu các sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng như các sản phẩm chủ lực của Hưng Yên. Việc ứng dụng công nghệ trong phát triển thương hiệu và truy xuất nguồn gốc vào thực tế được đánh giá có thể thắt chặt mối liên kết, tương tác đa chiều giữa 4 “nhà”: Nhà quản lý – Doanh nghiệp – Người sản xuất – Người tiêu thụ. Qua đó, giúp nâng tầm vai trò của khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế xã hội của Hưng Yên.

M.C