Theo Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh, đối tượng thành lập doanh nghiệp KH&CN hoàn thành việc ươm tạo và làm chủ công nghệ từ kết quả KH&CN được sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp thuộc các lĩnh vực do Bộ KH&CN quy định. Việc xác định đối tượng thành lập doanh nghiệp KH&CN thuộc lĩnh vực nào gặp khó khăn vì chưa có văn bản nào hướng dẫn, giải thích cụ thể về các lĩnh vực nêu trên, đặc biệt một số lĩnh vực rộng như: công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, công nghệ bảo vệ môi trường.

Việc doanh nghiệp chứng minh sở hữu hoặc sử dụng kết quả KH&CN gặp thuận lợi nếu kết quả KH&CN là các văn bằng bảo hộ tài sản trí tuệ (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, giống cây trồng, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, chương trình máy tính) đã được cấp hoặc là kết quả của các chương trình, đề tài, dự án KH&CN do nhà nước đầu tư với quy trình thực hiện cụ thể, đầy đủ giấy tờ lưu chứng. Nhưng nó là thách thức, khó khăn nếu kết quả KH&CN do chính doanh nghiệp tự đầu tư bằng nguồn lực (nhân lực, trang thiết bị và kinh phí) của mình khi trình tự và hồ sơ nghiên cứu không thực hiện đầy đủ.

Việc chứng nhận doanh nghiệp KH&CN gắn liền với việc xác nhận danh mục sản phẩm hàng hóa hình thành từ kết quả KH&CN. Việc làm này là cơ sở để xem xét ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp khi tỷ lệ doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa hình thành từ kết quả KH&CN trên tổng doanh thu của doanh nghiệp đáp ứng điều kiện quy định.

Tuy nhiên, kết quả KH&CN thông thường chỉ giải quyết vấn đề cho một phần của sản phẩm thương mại, không giải quyết trọn vẹn cho một sản phẩm. Đơn cử như dây chuyền sản xuất gạch không nung bao gồm: Thiết bị, máy móc, công đoạn nạp liệu, công đoạn trộn; máy ép, thiết bị, máy móc, công đoạn thành phẩm. Kết quả KH&CN của công ty là máy ép, vì lẽ đó sản phẩm hàng hóa hình thành từ kết quả KH&CN là máy ép nhưng sản phẩm của công ty bán trên thị trường là dây chuyền sản xuất gạch không nung trong đó có máy ép. Đây là vấn đề khó khăn cho hội đồng thẩm định và doanh nghiệp.

Trong 6 chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho doanh nghiệp KH&CN, một số chính sách chưa được cụ thể hóa trong quá trình thực hiện như: Chính sách được ưu tiên sử dụng các trang thiết bị phục vụ trong phòng thí nghiệm trọng điểm; hưởng ưu đãi về giá cho thuê đất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; ưu đãi vay vốn tín dụng đầu tư. Việc chưa cụ thể hóa trong quá trình thực hiện làm cho doanh nghiệp chưa thật sự chú ý đến việc đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KH&CN. Ngay cả chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp KH&CN là một trong những chính sách hấp dẫn và cụ thể nhất, các điều kiện được hưởng ưu đãi đã được xác định cụ thể tại một số thông tư liên tịch, tuy nhiên các ngành chưa thống nhất, đặc biệt là ngành thuế nên việc hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp KH&CN gặp nhiều khó khăn.

Các giải pháp tháo gỡ

Theo ông Trần Xuân Đích, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN), để thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp KH&CN trong thời gian tới, các định hướng, giải pháp cơ bản cần được thực hiện như sau: Hoàn thiện hệ thống pháp luật về KH&CN nhằm khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đổi mới công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành và phát triển doanh nghiệp KH&CN (ban hành các quy định hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường đầu tư cho KH&CN; khuyến khích phát triển hoạt động ươm tạo doanh nghiệp KH&CN; khuyến khích việc hình thành mối liên kết giữa doanh nghiệp với các tổ chức KH&CN; khuyến khích phát triển các loại hình tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp KH&CN…). Tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố đối với việc phát triển doanh nghiệp KH&CN (quy định, phân công rõ trách nhiệm cũng như cơ chế phối hợp của các đơn vị trong việc thực hiện chính sách ưu đãi, cũng như việc định hướng và ban hành các chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp KH&CN…).

Ngoài ra, cần tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin về doanh nghiệp KH&CN; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ phụ trách công tác phát triển doanh nghiệp KH&CN tại các địa phương. Cần tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường công nghệ, trong đó chú trọng đẩy nhanh việc giao các kết quả nghiên cứu có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để thành lập doanh nghiệp KH&CN và hỗ trợ doanh nghiệp KH&CN tham gia chương trình phát triển thị trường KH&CN để thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Theo: khoahocvacongnghevietnam.com.vn