Nền kinh tế tăng trưởng dựa vào vốn, các nguồn tài nguyên sẵn có đang dần hết dư địa phát triển, bởi thế khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo đang được xem là chất xúc tác, là đầu tàu để kéo cả đoàn tàu đất nước tăng trưởng.
Mặc dù Việt Nam đến với khoa học và công nghệ muộn hơn so với nhiều quốc gia trên thế giới nhưng tốc độ phát triển về lĩnh vực này của đất nước ta lại được đánh giá cao. Những năm gần đây, khoa học và công nghệ đã thực sự có tác động mạnh mẽ đến hầu hết các mặt của đời sống kinh tế, xã hội.
Kinh tế Việt Nam năm 2018 đạt được nhiều thành tích nổi bật, với tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 10 năm qua (7,08%), chất lượng tăng trưởng kinh tế cũng được cải thiện, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP đạt 43,5%, bình quân 3 năm 2016 – 2018 đạt 43,3%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,6% của giai đoạn 2011 – 2015, năng suất lao động tăng 5,9%… Có được kết quả này, theo đánh giá của hầu hết các chuyên gia kinh tế là có sự đóng góp to lớn của khoa học và công nghệ.
Khoa học và công nghệ đã và đang tác động mạnh mẽ đến nhiều mặt của kinh tế – xã hội
Cụ thể, các doanh nghiệp ngày càng ý thức rõ hơn về vai trò của khoa học, công nghệ trong phát triển bền vững cũng như tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước như: Vingroup, TH, Thaco… đã chuyển hướng chiến lược đầu tư lớn cho nghiên cứu và phát triển công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, thành lập viện nghiên cứu, trường đại học của doanh nghiệp. Tỷ trọng đầu tư giữa Nhà nước và doanh nghiệp cho khoa học và công nghệ không còn ở mức 7:3 như đầu thập kỉ mà đã thay đổi theo chiều hướng tích cực 5,2:4,8.
Phong trào khởi nghiệp sáng tạo phát triển mạnh mẽ trong cả nước, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngày càng hoàn thiện. Chất lượng và số lượng các thương vụ đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có xu hướng tăng mạnh trong năm 2018 với tổng số vốn đầu tư là 889 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2017 (291 triệu USD), trong đó có những giao dịch trên 40 triệu USD đầu tư vào Yeah1, Sendo, Topica.
Trong nông nghiệp, khoa học và công nghệ đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2018 ước đạt 40,02 tỷ USD.
Trong công nghiệp, xây dựng và giao thông, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ chú trọng vào hỗ trợ phát triển sản phẩm của doanh nghiệp theo chuỗi giá trị để tạo ra sản phẩm, hàng hóa mang nhãn hiệu Việt Nam có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp. Cùng với đó, các ngành công nghiệp, xây dựng và giao thông cũng đã làm chủ công nghệ thiết kế, thi công các nhà máy thủy điện lớn, phát triển nguồn điện, lưới điện, hệ thống điều khiển – điều độ – thông tin – viễn thông điện lực, công trình ngầm, nhà cao tầng, cầu dây văng, đường cao tốc đạt chuẩn quốc tế, chế tạo thành công thiết bị cơ khí thủy công và nâng hạ siêu trường, siêu trọng…
Thành tựu của việc phát triển khoa học công nghệ không thể không kể đến những thành công trong lĩnh vực y tế. Việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, thuốc điều trị ung thư, tim mạch tiểu đường, chống thải ghép, cấy ghép tạng, ghép đa tạng… được xem là những kết quả của quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ cấp quốc gia.
Hiện nay, Việt Nam đang có quan hệ hợp tác về khoa học và công nghệ với hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế và khu vực, là thành viên của hơn 100 tổ chức quốc tế và khu vực về khoa học và công nghệ. Bên cạnh đó, mạng lưới đại diện khoa học và công nghệ được xây dựng tại nhiều quốc gia có thế mạnh về phát triển kinh tế dự trên khoa học và công nghệ đã giúp nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu về khả năng phát triển kinh tế số ở Việt Nam…
Theo đánh giá chung, chỉ số đối mới sáng tạo của Việt Nam những năm gần đây liên tục tăng, đã đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp (năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 xếp thứ 45/126 quốc gia, trong đó nhóm chỉ số về trí thức – công nghệ của Việt Nam có thứ hạng rất cao, xếp thứ 28). Đây được xem là những nỗ lực vượt bậc của một quốc gia đi sau về phát triển khoa học công nghệ nhưng có tốc độ phát triển mạnh mẽ.
Mặc dù thế giới đã đi qua 4 cuộc cách mạng công nghiệp, trong đó 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đó, vì nhiều lý do khách quan chúng ta chưa tận dụng được để phát triển đất nước. Ngày nay, chúng ta đã chuyển sang kinh tế thị trường và hội nhập, chúng ta cần phải có ý thức ngày càng cao về khoa học công nghệ, đặc biệt là về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Cuộc cách mạng lần này được xem là một cơ hội lớn, nếu bỏ lỡ thời cơ này, khả năng tụt hậu sẽ xa hơn rất nhiều.
“Nếu trước kia chúng ta đã có khát vọng bằng mọi giá phải giành độc lập tự do thì giờ đây cần xây dựng khát vọng bằng mọi giá phải thành một nước phát triển và không có khoa học và công nghệ, sẽ rất khó đạt được mục tiêu này” – ông Nguyễn Văn Thạo, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương từng nhấn mạnh.
Nguồn: petrotimes.vn