Anh nông dân Trần Quang Sơn ở thôn 1, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa (Gia Lai) đã nghiên cứu và sáng chế thành công máy sấy hồ tiêu sạch bằng tia hồng ngoại.

Nếu mỗi chiếc máy sấy tiêu ngoài thị trường có giá cả trăm triệu đồng thì chiếc máy sấy tiêu sạch của anh Sơn chỉ có giá khoảng 5 triệu đồng.

Do máy chỉ sấy được tiêu sạch nên năm 2014, anh Sơn đã mạnh dạn trồng thử nghiệm hơn 1.500 gốc tiêu hữu cơ để làm nguyên liệu phục vụ nghiên cứu. Khi vườn tiêu hữu cơ của anh cho kết quả và sản phẩm bán ra thị trường có giá cao hơn tiêu thường, từ đó anh bắt tay vào công tác nghiên cứu sáng chế.

Nhờ trồng hồ tiêu sạch theo hướng hữu cơ, tưới nhỏ giọt, tưới phun béc, bón phân vi sinh hữu cơ, nên họ đã gặt hái được thành công khi giá tiêu sạch bán ra thị trường có giá từ 200-500.000 đồng/kg, so với giá tiêu thường bán ra thị trường chỉ có giá từ 50-70.000 đồng/kg.

Sau khi hồ tiêu được thu hoạch, hiện tại hầu hết các hộ nông dân trồng tiêu đều đã sở hữu máy sấy tiêu bằng tia hồng ngoại này để sấy sản phẩm, vì thế đầu ra của sản phẩm đang được các doanh nghiệp của nhiều nước trên thế giới như Hàn Quốc, Trung Quốc, Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất… tìm đến địa phương đăng ký hợp đồng liên kết đầu ra.

Nông dân Trần Quang Sơn bên mô hình máy sấy của mình

 Máy sấy hồ tiêu sạch bằng tia hồng ngoại giúp kéo dài thời gian bảo quản nhưng vẫn giữ được màu sắc, hương vị, tinh dầu của hạt hồ tiêu theo tiêu chuẩn quốc tế. Không hao tốn nhiều điện năng do được thiết kế tự báo nhiệt độ và tự hẹn giờ tắt khi nông sản đã khô. Anh Sơn cho biết, đã thử nghiệm bằng việc sấy hồ tiêu vô cơ, đèn hồng ngoại sẽ chuyển sang màu đen và máy sẽ ngừng hoạt động.

Máy sấy nhỏ gọn, tận dụng hết không gian bên trong làm các khay sấy chứa tiêu. Bên ngoài được ốp bằng sắt chống gỉ cùng bộ cảm biến nhiệt độ, bên trong có 8 ngăn chứa các khay dùng để đựng hạt hồ tiêu và hơn 10 bóng đèn được chiếu sáng bằng tia hồng ngoại. Hiện tại, máy có thể sấy khoảng 20kg tiêu sạch mỗi lần, anh Sơn đang tiếp tục nghiên cứu mở rộng diện tích khay sấy để có thể sấy được số lượng lớn hơn cho một lần máy hoạt động.

“Đối với những nông dân trong Tổ liên kết, họ mua vật liệu về tôi sẽ lắp ráp giúp không lấy tiền công. Với công dụng như hiện nay, máy sấy tiêu sạch bằng tia hồng ngoại này có thể giúp nông dân Gia Lai tự tin mang sản phẩm tiêu địa phương ra thị trường thế giới. Tôi đang làm thủ tục đăng ký bản quyền và đem sản phẩm máy sấy tiêu sạch này tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Gia Lai, năm 2018”, anh Sơn khẳng định.

Trái cây tươi nguyên cả tháng nhờ màng bảo quản từ bột sắn và nano bạc

Chế phẩm màng bảo quản một số quả tươi từ nano bạc của TS. Lê Đại Vương (Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế) và TS. Võ Văn Quốc Bảo (Trường ĐH Nông lâm – ĐH Huế) cùng các cộng sự. Đề tài đã đạt giải Nhì Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc năm 2017, giải Ba Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên – Huế năm 2017.

  1. Lê Đại Vương cho biết, nano bạc là một trong số các hạt nano thân thiện với môi trường và con người, được ứng dụng rộng rãi hiện nay. Các hạt nano bạc có diện tích bề mặt rất lớn, gia tăng tiếp xúc của chúng với vi khuẩn hoặc nấm và nâng cao hiệu quả diệt khuẩn, nấm. Tuy nhiên, việc tổ hợp các hạt nano bạc trong màng tinh bột sắn nhằm bảo quản hoa quả chưa được nghiên cứu.

“Cho đến nay, những nghiên cứu về sự kết hợp hai thành phần hữu cơ (tinh bột sắn) và vô cơ (nano bạc) để tạo thành polymer, cải thiện tính chất cơ và tăng hoạt tính kháng khuẩn nhằm bảo quản một số nông sản ở Việt Nam ít được nghiên cứu. Do đó, việc nghiên cứu, chế tạo chế phẩm sinh học có khả năng kháng khuẩn từ tinh bột sắn, nano bạc, từ một số nguồn gốc thực vật có chứa hợp chất fitonxit cao là rất thiết thực. Trên cơ sở đó, chúng tôi chọn đề tài ứng dụng nano bạc trong sản xuất chế phẩm màng bảo quản một số quả tươi”, TS. Lê Đại Vương chia sẻ.

Giải pháp sáng tạo kỹ thuật của nhóm tác giả đã xác định được thành phần và tỷ lệ nguyên liệu phối trộn để chế tạo chế phẩm nano Ag/TBS/Chitosan bảo quản quýt Hương Cần; chế tạo màng phân hủy sinh học có khả năng kháng khuẩn có độ bền kéo đứt cao tương đương nhựa PE, có khả năng kháng khuẩn, có thể ứng dụng màng này để chế tạo bao bì bảo quản quả tươi như cà chua…

Bước đầu, nhóm nghiên cứu ứng dụng chế phẩm sinh học này vào quýt Hương Cần, cà chua. Theo kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu, quả quýt Hương Cần được phun chế phẩm nano có thể tươi lâu đến 37 ngày, đồng thời vẫn giữ được độ ngọt, mùi vị và màu sắc so với chỉ 12 ngày nếu không bảo quản.

Theo TS. Võ Văn Quốc Bảo, phương pháp sử dụng màng bảo quản quả tươi Ag/TBS/Chitosan đơn giản, dễ thực hiện, không tốn nhiều thời gian và công sức cho người nông dân. Qua đó, giúp người dân hiểu hơn về màng phủ phân hủy sinh học có nguồn gốc hữu cơ không gây hại đến sức khoẻ con người và dễ dàng phân hủy trong môi trường.

“Tính sáng tạo của đề tài là tạo ra chế phẩm sinh học từ nano bạc, chitosan và tinh bột sắn, đảm bảo tính an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường. Ngoài ra, đề tài đã ứng dụng công nghệ nano – một lĩnh vực công nghệ mới và tiên tiến, để cải thiện khả năng kháng khuẩn phòng trừ và tiêu diệt các loại vi rút, vi khuẩn, nấm bệnh gây kí sinh trên rau quả.

Do đó, chế phẩm màng bảo quản quả tươi có thể là lựa chọn hiệu quả và rẻ tiền nhất, đem lại hiệu quả kinh tế cao, lại không gây ngộ độc cho con người và gây hủy hoại môi trường”, TS. Võ Văn Quốc Bảo cho hay.

Tác giả Lê Đại Vương trình bày đề tài trong hội thảo kỷ niệm ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam 18/5/2018.

 Trong sản xuất, chế phẩm màng bảo quản quả tươi có nguồn gốc tự nhiên nên an toàn cho người, cây trồng, vật nuôi và môi trường. Sản phẩm được chế tạo theo 2 dạng, gồm dạng dung dịch dễ dàng cho bà con nhúng các quả tươi có vỏ để bảo quản và dạng bao bì để bà con bảo quản thuận lợi và dễ dàng vận chuyển. Giá thành của chế phẩm nano này tương đối rẻ và bao bì tương đương với các túi nilon thường.

 

Ứng dụng nano bạc trong sản xuất chế phẩm màng bảo quản quả tươi đã mở ra một tiềm năng vô cùng lớn trong việc giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm không chỉ tại địa phương mà có thể áp dụng trên toàn quốc. Đây là giải pháp công nghệ giúp cung cấp sản phẩm thực phẩm sạch, góp phần bảo vệ môi trường và thay đổi thói quen lạm dụng thuốc hóa học của nông dân.