Sáng 16/12/2018, tại trụ sở Vườn quốc gia Pù Mát, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Ban quản lý Khu Dự trữ Sinh quyển (DTSQ) miền Tây Nghệ An tổ chức buổi lễ chuyển giao mô hình Bảo tàng thiên nhiên – văn hoá mở.
Tham dự buổi lễ có Đại diện Tiểu ban Khoa học Tự nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ; PGS.TS Nguyễn Trung Minh, Tổng Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam; GS.TS Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam (MAB Việt Nam); PGS.TS Lê Xuân Cảnh, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia, đại diện.
Về phía tỉnh Nghệ An có ông Nguyễn Tiến Lâm, Phó Trưởng ban thường trực Khu DTSQ miền Tây Nghệ An, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; ông Lô Văn Thao, Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông; ông Trần Xuân Cường, Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát cùng các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, các trường Đại học quan tâm đến lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và bảo tàng, một số công ty du lịch và doanh nghiệp xã hội đóng trên địa bàn.
Các đại biểu cắt băng khánh thành Bảo tàng thiên nhiên – văn hoá mở Tây Nghệ An
Bảo tàng được hình thành với cách tiếp cận bảo tàng hiện đại kết hợp giữa thiên nhiên và văn hoá với con người là trung tâm. Lựa chọn Vườn quốc gia Pù Mát là nơi trưng bày mô hình bên cạnh các tuyến tham quan trải nghiệm thiên nhiên, văn hóa, sinh kế của người dân địa phương và chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên tại một số điểm thuộc vùng đệm của Khu DTSQ miền Tây Nghệ An. Đây là công sức không chỉ của các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý, mà còn của cộng đồng người dân sinh sống tại vùng đệm của Khu DTSQ.
Các đại biểu thăm quan trưng bày Bảo tàng thiên nhiên – văn hoá mở
Bộ KH&CN đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc gia UNESCO và MAB Việt Nam tiếp tục hỗ trợ cho các khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam. Đến nay, toàn bộ 09 Khu dự trữ sinh quyển đều có nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia nghiên cứu về các vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học gắn liền với các vấn đề về phát triển kinh tế xã hội như du lịch sinh thái, bảo tồn văn hóa, sinh kế bền vững cho người dân,… góp phần vào phát triển bền vững cho địa phương. Các nhà khoa học trong lĩnh vực tự nhiên đã phối hợp liên ngành với các nhà khoa học trong lĩnh vực xã hội, văn hóa, dân tộc, du lịch,… để tìm ra những mô hình phát triển bền vững. Sản phẩm mô hình bảo tàng thiên nhiên mở là sản phẩm của một nhiệm vụ trong số đó góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn văn hóa văn hóa và sinh kế người dân địa phương.
Bộ KH&CN với vai trò là Trưởng tiểu ban Khoa học Tự nhiên sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ Chương trình Con người và Sinh quyển, đẩy mạnh hoạt động của các khu DTSQ thế giới tại Việt Nam được UNESCO công nhận, thúc đẩy giao lưu hợp tác quốc tế với các Khu DTSQ các nước trên thế giới; thực hiện các chiến lược và chương trình hành động của MAB, hướng tới thực hiện và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.