Trong 2 ngày 12-13/9/2020, sự kiện trực tuyến “Ngày Trí tuệ nhân tạo 2020 – Vươn tầm đón thách thức” do Viện nghiên cứu trí tuệ nhân tạo VinAI Research (thuộc Tập đoàn Vingroup) tổ chức với đầu cầu chính ở Hà Nội và các điểm cầu từ khắp nơi trên thế giới như California, Bắc Kinh, Melbourne, Toronto, Berlin, Tokyo và Singapo… đã thu hút hơn 20.000 lượt truy cập cùng hàng trăm câu hỏi cho các phần thảo luận. Tham gia sự kiện là các chuyên gia AI hàng đầu thế giới và Việt Nam cùng đại diện các trường đào tạo về công nghệ và sinh viên chuyên ngành AI đã vẽ nên một bức tranh toàn cảnh về AI ở Việt Nam, từ tiềm năng đến thực tế áp dụng và những thách thức cần vượt qua.
Jeff Dean (Giám đốc Google AI) và TS. Bùi Hải Hưng (Viện trưởng Viện nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo VinAI Reaserch) tham dự phiên thảo luận đầu tiên tại AI Day 2020.
Sự kiện “Ngày Trí tuệ nhân tạo 2020 – Vươn tầm đón thách thức” với mục tiêu thúc đẩy nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng AI và góp phần giải quyết những vấn đề thách thức trong phát triển kinh tế xã hội.
Sự kiện gồm 4 chủ đề chính: Phát triển Trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, tầm nhìn và thách thức; Trí tuệ nhân tạo trong đổi mới kỹ thuật ở các lĩnh vực giao thông vận tải, thị giác máy tính, y tế và sức khỏe; Đào tạo Trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam và Trí tuệ nhân tạo trong xử lý ngôn ngữ tự nhiên và tiếng nói tiếng Việt.
Sự kiện thu hút khoảng 2000 người tham gia online, trong đó có sự tham gia của chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực AI: Jeff Dean (Giám đốc Google AI). Được biết đến là một trong những người có đóng góp to lớn vào sự phát triển của Google qua việc xây dựng những nền móng công nghệ, cải tạo cơ sở hạ tầng toàn cầu, Jeff Dean và các cộng sự hiện theo đuổi các nghiên cứu về hệ thống nhận dạng giọng nói, thị giác máy tính, thấu hiểu ngôn ngữ… Giám đốc Google AI tham dự phiên thảo luận đầu tiên của sự kiện vào sáng 12/09 cùng với TS Bùi Hải Hưng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo VinAI Research.
Bên cạnh Giám đốc Google AI, sự kiện cũng thu hút sự tham gia của các diễn giả, tham luận viên danh tiếng khác gồm Nemanja Djuric (Trưởng nhóm nghiên cứu về Học máy, Uber); Giáo sư Michael Brown – trường Đại học York (Giám đốc Trung Tâm AI của Samsung Toronto), Anandan (CEO Wadhani AI); Vũ Hà (Giám đốc kỹ thuật viện nghiên cứu AI The Allen); Giáo sư Karin Verspoor (Đại học Melbourne)… cùng nhiều chuyên gia AI nổi tiếng người Việt đang làm việc ở khắp nơi trên thế giới.
Tiến sĩ Bùi Hải Hưng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo VinAI Research (Tập đoàn Vingroup) chia sẻ: “AI Day 2020 tập trung phân tích những thách thức của Trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam và giải pháp cho những thách thức đó. Chúng tôi mong muốn sự kiện trở thành nơi gặp gỡ của những người có cùng trí hướng, cùng chia sẻ ý tưởng, trao đổi kinh nghiệm. Sự kiện sẽ là nơi khơi nguồn để chúng ta ngày càng có nhiều công trình nghiên cứu được ra mắt, nhiều sản phẩm và công nghệ được ứng dụng AI, mang lại những lợi ích to lớn về kinh tế và xã hội, khẳng định năng lực và trí tuệ Việt”.
Đào tạo vẫn là mũi nhọn trong phát triển AI
Đây là nội dung chính trong các phần thảo luận về tầm nhìn và chiến lược phát triển AI ở Việt Nam giữa các chuyên gia hàng đầu về AI và các trường đào tạo về công nghệ ở Việt Nam như Đại học Bách Khoa, ĐHQG TP.HCM; Đại học Công nghệ, ĐHQG Hà Nội; Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội; Khoa Công nghệ thông tin, Học viện Bưu chính Viễn thông; và ĐH Bách khoa Hà Nội.
Các chuyên gia đều khẳng định tiềm năng phát triển AI ở Việt Nam rất lớn do học viên có nền tảng toán học và các môn khoa học tốt. Tuy nhiên hạn chế về ngoại ngữ lại là yếu tố cản trở quá trình học tập, nghiên cứu và phát triển nghề nghiệp. Tiến sĩ Bùi Hải Hưng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo VinAI Research, đã chia sẻ ý tưởng về việc xây dựng một mô hình đào tạo trực tuyến miễn phí với các tài liệu chuyên môn được dịch ra tiếng Việt, nhằm hỗ trợ công tác đào tạo và giúp sinh viên tiếp cận với nguồn kiến thức phong phú của thế giới một cách thuận lợi hơn.
Đại diện các trường cho biết, hiện nay số lượng sinh viên chuyên ngành AI chưa đáp ứng được nhu cầu nhân sự của doanh nghiệp. Lý do là AI mới phát triển ở Việt Nam trong vài năm gần đây, lượng công ty công nghệ ngày càng nhiều trong khi công tác đào tạo cần ít nhất 4 năm để hoàn thành. Đại diện các trường tin rằng chỉ vài năm nữa, khi lứa sinh viên AI đầu tiên ra trường thì tình hình sẽ khác.
Hiện nay, sự phối hợp giữa doanh nghiệp và các đơn vị đào tạo đã được thực hiện khá tốt. Tuy nhiên nếu được tăng cường hơn, như các công ty xây dựng phòng lab tại trường cho các bạn sinh viên được thực hành, tham gia vào các dự án cụ thể thì kiến thức chuyên môn cùng kinh nghiệm thực tiễn của các bạn sẽ cao hơn, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Khi đó, nhà trường cũng sẽ nắm rõ yêu cầu về nhân sự của doanh nghiệp để có kế hoạch đào tạo phù hợp.
AI có thể tiếp sức đổi mới công nghệ ở Việt Nam
Trong một phiên thảo luận khác, các chuyên gia AI, doanh nhân, và nhà đầu tư hàng đầu Việt Nam như từ các công ty như OhmniLabs, VinFast, 500 Startups Việt Nam, Ẩm thực, Allen Instute for AI và VinAI cùng trao đổi về vai trò của AI để phát triển công nghệ tại Việt Nam. Theo đó, những ứng dụng AI tiềm năng để phát triển ở Việt Nam hiện nay là nhận dạng giọng nói, ứng dụng AI trong các dịch vụ ngân hàng, giải quyết các bài toán về giao thông, xử lý dữ liệu, chuyển đổi chữ viết sang giọng nói và ngược lại, camera AI….
Một trong những chủ đề nóng của AI trong đổi mới công nghệ là xe tự hành. Các tham luận viên cho rằng điều kiện giao thông Việt Nam rất đặc biệt nên tạo ra nhiều thách thức cho quá trình phát triển công nghệ. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu về giao thông Việt Nam cũng chưa đủ tốt để có thể xây dựng thuật toán phù hợp. Hầu hết các dữ liệu đào tạo thông thường là dữ liệu của châu Âu và Mỹ, không tương thích với điều kiện giao thông cụ thể ở Việt Nam. Phát triển xe tự hành cũng đòi hỏi đầu tư lớn, tính rủi ro cao.
Các chủ đề hấp dẫn như sử dụng dữ liệu raster để phát hiện vật thể, dự đoán chuyển động cho xe tự hành an toàn, xử lý hình ảnh trên camera, hay kết hợp camera truyền thống với camera neuromorphic để tạo ra hình ảnh chất lượng cao, có dải động cao và tiêu thụ điện năng thấp…