Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM đã nghiên cứu thành công và sẵn sàng chuyển giao quy trình công nghệ thiết kế vi mạch số công suất thấp (SOTB) – công nghệ tiềm năng cho lĩnh vực IoT và các giải pháp ứng dụng trong thành phố thông minh.
Thông tin này được TS. Lê Đức Hùng – Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM – cho biết tại Hội thảo “Kỹ thuật thiết kế vi mạch số công suất thấp và ứng dụng” do trường tổ chức vào ngày 15/3 tại TPHCM.
Sau 18 tháng thực hiện (9/2016 – 3/2018), dự án “Kỹ thuật thiết kế vi mạch số công suất thấp, công nghệ và ứng dụng” do TS. Lê Đức Hùng làm chủ nhiệm, đã xây dựng được quy trình và thiết kế một chip 65nm theo công nghệ SOTB, hai bo mạch test chip. Đồng thời, dự án cũng đào tạo được một cử nhân và một thạc sĩ trong lĩnh vực này.
Theo TS. Hùng, SOTB là công nghệ thiết kế và chế tạo vi mạch tiên tiến, giải quyết bài toán công suất thấp trong các ứng dụng Internet vạn vật (IoT). Đây là công nghệ đột phá ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như hạ tầng giao thông, y tế, điện, nước… phục vụ cho sự phát triển của thành phố thông minh. Khi nhiệt độ càng lớn thì tuổi thọ và thời gian hoạt động của linh kiện sẽ giảm đi bởi vậy thiết kế vi mạch công suất thấp không chỉ góp phần tiết kiệm năng lượng mà còn có thể gia tăng tuổi thọ của thiết bị lên hàng chục lần. Đặc biệt, đối với các các thiết bị phải dùng pin, không sử dụng trực tiếp nguồn điện. Hiện nay, công nghệ mới đầy tiềm năng này đang được phát triển và ứng dụng ở các nước trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Trung Quốc…
“Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ, chuyển giao quy trình công nghệ thiết kế công nghệ SOTB cho các đơn vị có nhu cầu, để kết quả nghiên cứu của Dự án có thể sớm được ứng dụng vào trong thực tế” – tiến sĩ Hùng nói.
Được biết, dự án nghiên cứu này được tài trợ từ Dự án FIRST “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ” do Bộ KH&CN là cơ quan chủ quản.
Nguồn: Báo Khoahocphattren
TS. Lê Đức Hùng giới thiệu về chip 65nm, ứng dụng công nghệ SOTB