Một nhóm các nhà nghiên cứu liên kết với nhiều tổ chức ở Trung Quốc và một tổ chức ở Đức đã tìm thấy bằng chứng cho thấy mức glucose cao có thể lý giải làm sao một số bệnh nhân bị cúm có triệu chứng tồi tệ hơn những người khác. Trong bài báo đăng trên tạp chí Science Advances, các nhà khoa học đã mô tả chi tiết nghiên cứu của họ trên mô hình chuột và các bệnh nhân cúm.
Khi đại dịch bệnh toàn cầu xảy ra, các nhân viên y tế và các nhà nghiên cứu đã lưu ý rằng những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường có xu hướng có kết quả tồi tệ và nghiêm trọng hơn so với những người không có các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Điều tương tự này đã được phát hiện thấy là đúng đối với bệnh nhân bị nhiễm cúm. Trong nỗ lực mới này, các nhà chuyên gia cố gắng tìm hiểu rõ hơn tại sao những bệnh nhân này lại dễ bị phản ứng viêm có thể dẫn đến viêm phổi và tử vong.
Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng khi vi rút cúm (hay vi rút SARS-CoV-2) xâm nhập vào cơ thể người, hệ thống miễn dịch sẽ phản ứng bằng cách “chuyển” các tế bào miễn dịch đi đến địa điểm có vi rút để tấn công và chống lại mối đe dọa từ vi rút. Lúc này các cytokines được sản sinh và nhiệm vụ của nó là xử lý thông tin liên lạc giữa các tế bào. Nó sẽ được các tế bào hệ miễn dịch giải phóng vào hệ tuần hoàn hoặc đưa trực tiếp vào những mô tế bào, và ở đó các cytokine sẽ xác định những tế bào miễn dịch mục tiêu và tương tác với chúng. Sự tương tác này sẽ kích thích những phản ứng đặc biệt từ phía các tế bào mục tiêu. Tuy nhiên, ở một số người, cơ thể sản sinh quá nhiều cytokine khiến xảy ra hiện tượng hệ miễn dịch phản ứng quá mạnh, trong y học được gọi là Hội chứng giải phóng cytokine, hay cơn bão cytokine, và khi đó, nó có thể dẫn đến các vấn đề rất nghiêm trọng như viêm phổi hoặc suy nội tạng. Điều thật không may, các nhà khoa học trong lĩnh vực y tế chưa tìm ra nguyên nhân tại sao chúng chỉ xảy ra ở một số bệnh nhân mà không phải là ở cả những người khác.
Trong nghiên cứu mới này, các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng nồng độ glucose trong máu tăng cao có thể đóng một vai trò quan trọng gây ra hiện tượng này. Nhóm nghiên cứu đã tiêm glucosamine vào chuột thử nghiệm bị nhiễm cúm để xem liệu điều này có làm tăng nguy cơ dẫn đến hội chứng bão cytokine hay không và cuối cùng họ báo cáo rằng điều này đã xảy ra.
Trong một phần khác của nghiên cứu liên quan đến việc phân tích các mẫu máu của 119 bệnh nhân cúm tại hai bệnh viện ở Vũ Hán, Trung Quốc, trước khi đại dịch bùng phát. Sau đó, nhóm nghiên cứu đã so sánh các mẫu máu của bệnh nhân cúm này với các mẫu máu của những người khỏe mạnh. Họ tập trung nỗ lực vào xem xét cả mức độ sản sinh cytokine và cả mức đường huyết. Họ phát hiện ra rằng những bệnh nhân có lượng glucose cao hơn có nhiều khả năng phải trải qua cơn bão cytokine. Nhóm nghiên cứu đề nghị những phát hiện này của họ giải thích lý do tại sao những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường có nhiều khả năng xảy ra bão cytokine và có kết quả tồi tệ hơn với trường hợp bị nhiễm cúm (và có thể cả ở bệnh COVID-19).
Nguồn: vista.gov.vn