Các nhà khoa học Nhật Bản đã chế tạo ra một radar công nghệ cao có khả năng phác họa một bản đồ mây 3 chiều của các cơn mưa chỉ trong thời gian ngắn từ 30-60 giây. Đây là tiến bộ lớn so với các hệ thống dự báo hiện nay vốn cần tới 5 phút để tính toán được chỉ một phần của một đám mây có thể gây ra mưa.
Hệ thống radar này hiện được lắp đặt tại Đại học Saitama, phía Bắc thủ đô Tokyo.
Đặc biệt các nhà khoa học của Nhật Bản có thể sử dụng công nghệ trên để dự báo mưa trước 30 phút.
Theo ông Katsuhiro Nakagawa, Giám đốc Phòng thí nghiệm cảm biến từ xa thuộc Viện Công nghệ thông tin và truyền thông quốc gia Nhật Bản (NICT), cho rằng thời điểm khởi tranh Olympic/Paralympic Tokyo mùa Hè 2020 đang đến gần.
Đây là khoảng thời gian tại Nhật Bản thường xuất hiện các cơn mưa rào, khiến ban tổ chức rất lo ngại. Do đó, nhóm nghiên cứu tin tưởng rằng phát minh mới này sẽ góp phần cung cấp dữ liệu hữu ích giúp công tác tổ chức đạt hiệu quả cao.
Trong tương lai, công nghệ này cũng sẽ có thể hỗ trợ cho các nhà tổ chức nhiều hoạt động ngoài trời khác như lễ hội pháo hoa, các cuộc thi đấu thể thao…
Nằm ở vị trí địa lý thuộc một trong những khu vực có hoạt động địa chấn nhiều nhất trên thế giới, Nhật Bản thường hứng chịu các đợt thiên tai nặng nề, trong đó có động đất, lũ lụt và lở đất, gây nhiều thiệt hại về người và của.
Để khắc phục những bất cập trên, đất nước Mặt Trời mọc không ngừng phát triển các công nghệ cảnh báo sớm, các hệ thống giảm nhẹ thiên tai hiện đại, đồng thời thường xuyên tổ chức các đợt diễn tập khẩn cấp tại nhiều trường học.