Triển lãm quốc tế Thiết bị và công nghệ nông, lâm, ngư nghiệp (Growtech VietNam 2019) sẽ được tổ chức trong 3 ngày 31/10 – 2/11/2019, tại Hà Nội với sự tham gia của 250 gian hàng, trưng bày hơn 5.000 sản phẩm thiết bị công nghệ đến từ hơn 20 quốc gia. Một trong những sản phẩm tham gia triển lãm tại Growtech VietNam 2019 là sản phẩm máy cấy không dùng động cơ của anh Trần Đại Nghĩa.
Vietnam Growtech 2019 là sự kiện quan trọng trong năm của ngành KH&CN nhằm thúc đẩy thị trường, kết nối, chuyển giao công nghệ giữa các quốc gia; thông qua đó giúp các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm, lựa chọn công nghệ phù hợp để nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, triển lãm năm nay không chỉ là nơi để các doanh nghiệp giới thiệu công nghệ tiên tiến của mình mà còn giúp các hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao điển hình trong cả nước, các hộ nông dân sản xuất giỏi tới giới thiệu sản phẩm và tiếp cận hỗ trợ tài chính từ Chính phủ, các quỹ quốc tế.
Growtech VietNam 2019 hướng đến 2 mục tiêu chính: trình diễn giới thiệu các công nghệ, thiết bị mới nhất, tiên tiến nhất áp dụng trong nông nghiệp cho các đối tượng là các hộ nông dân, cơ sở trồng trọt chăn nuôi không có điều kiện tham quan tìm hiểu các công nghệ mới trên thế giới nhằm phục vụ cho sản xuất, lao động hàng ngày.
Ấp ủ ước mơ trong nhiều năm là có thể giúp cho mẹ và những người nông dân quê hương mình đỡ vất vả hơn, năm 2015, anh Trần Đại Nghĩa ở xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đã chế tạo thành công sản phẩm máy cấy không dùng động cơ. Trong những năm qua, chiếc máy được đánh giá là khá dễ sử dụng và phù hợp cho nhiều vùng đất ở nông thôn nước ta.
Để tăng năng suất và thuận lợi hơn trong quá trình điều khiển, vừa qua, anh Trần Đại Nghĩa tiếp tục cho ra đời chiếc máy cấy lúa mới bằng điện.
Máy được thiết kế rất đơn giản, gọn nhẹ, dễ vận hành, phù hợp với nhiều đối tượng lao động, kể cả người lớn tuổi, phù hợp với nhiều loại địa hình kể cả ruộng bậc thang, không sử dụng nhiên liệu nên không gây ô nhiễm môi trường. giá cả phù hợp với người nông dân của nhiều nước trong khu vực. Đặc biệt khác phục được một số nhược điểm mà những máy hiện có mặt trên thị trường gặp phải.
Máy cấy được ở nhiều loại địa hình, kể cả ruộng bậc thang, ruộng có diện tích nhỏ và những địa hình có độ bùn sâu đến 50 cm trở lên mà không bị lầy thụt vì vậy cây mạ không bị vùi sâu cây lúa trong đất.Người sử dụng chỉ cần kéo một tay, hệ thống điện sẽ tự động kéo cây mạ xuống bùn. Tất cả các chức năng đảo bàn, chuyển mạ và cấy mạ đều do hệ thống điện làm việc. Máy có thể cấy hai chiều từ trái sang phải và từ phải sang trái.
Hệ thống chống bàn trượt của máy vừa có tác dụng chống lún vừa có tác dụng gạt phẳng mặt ruộng trước khi cấy cây mạ xuống ruộng.
Máy có thể tháo rời khi vận chuyển từ nhà ra ruộng và lắp lại dễ dàng chỉ bằng một thao tác đặt giàn đựng mạ vào khung máy là được, vì vậy ruộng bậc thang cũng vẫn cấy được. Máy cấy ở điều kiện ruộng có nước 1- 5 cm vì vậy rất nhẹ cho người kéo máy, có thể kéo máy chỉ bằng 2 ngón tay.
Chi phí cấy cho một sào Bác bộ chỉ hết 50 đồng tiền điện. Thời gian cấy khoảng 15- 20 phút /sào Bắc bộ. Máy có thiết kế hộp số truyền chuyển động cực kỳ đơn giản, nhưng vận hành rất dễ và linh hoạt, hiệu suất lao động tăng cao.
Máy cấy lúa sử dụng động cơ có giá bán 8 – 14 triệu đồng /1máy, rẻ hơn nhiều so với máy nhập ngoại; Giúp bà con nông dân giảm chi phí ban đầu cho sản xuất, tăng năng suất lao động, dẫn đến hiệu quả kinh tế cao, trong khi đó, đất nước sẽ tiết kiệm được tương đối nguồn ngoại tệ do không phải nhập khẩu các loại máy cấy khác của nước ngoài.
Mỗi năm gần đến vụ cấy, xưởng sản xuất của anh nông dân Trần Đại Nghĩa lại tiếp nhiều đoàn khách phương xa ghé thăm. Họ là những người nông dân ở các tỉnh như Ninh Bình, Hải Dương, Hải Phòng, Nghệ An… Thậm chí có cả những người nông dân ở vùng đất mũi Cà Mau không quản ngại đường xa tìm đến.
Mỗi đợt khách mới, anh Nghĩa đều tận tình hướng dẫn cho bà con chi tiết nguyên lý vận hành chiếc máy như lần đầu.
Hướng dẫn trên bờ là vậy, xuống đến ruộng, những người nông dân còn hồ hởi hơn khi được tiếp xúc với chiếc máy cấy lúa bán tự động chạy bằng ắc qui này.
Ông Đỗ Xuân Lẫm, xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình cho biết: “Tôi cấy 6 sào, nếu cấy bằng tay vất vả lắm. Được dùng thử máy này, lúc đầu bỡ ngỡ chút nhưng chỉ một lúc thì thấy rất nhẹ nhàng”.
Ông Bùi Công Quảng ở Hải Phòng chia sẻ: “Máy này áp dụng trong nông nghiệp rất đỡ cho bà con nông dân chúng tôi. Nếu bình thường hai vợ chồng tôi cấy chỉ được nhiều nhất 1 sào mà rất đau lưng, vất vả. Với máy này chỉ cần 1 giờ đồng hồ là cấy được 1 sào. Đây là điều nông dân chúng tôi rất mong mỏi”.
Máy cấy lúa Đại Nghĩa do công ty TNHH sản xuất và kinh doanh Đại Nghĩa nghiên cứu và sản xuất. Máy cấy lúa này sử dụng động cơ điện hoàn toàn khác với các loại máy cấy lúa hiện có trên thị trường.Đây là mẫu máy cấy lúa bằng điện đầu tiên trên thế giới và được Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp bằng độc quyền sáng chế.
Với hiệu quả ứng dụng thiết thực rõ rệt, máy cấy lúa sử dụng động cơ điện Đại Nghĩa đã được bà con trên khắp các tỉnh thành trong cả nước tin dùng. Máy hiện đang được sử dụng hiệu quả tại các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Nghệ An, Cà Mau, Kiên Giang… Không chỉ trong nước mà hiện nay các nước trong khu vực cũng tìm đến để mua như Thái Lan, Miana, Banglades, Ấn Độ, Philipines, Lào, Campuchia.
Về dự định của mình, anh Trần Đại Nghĩa cho biết: “Sau khi chế tạo hoàn chỉnh chiếc máy cấy này, tôi đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Thời gian tới, chúng tôi sẽ nâng cấp và cải tiến chiếc máy cấy để nâng cao hiệu quả sản xuất. Tôi mong muốn có được vay khoản tiền ưu đãi để đầu tư mở rộng nhà xưởng sản xuất quy mô, đáp ứng được nhu cầu của bà con…
Theo anh Nghĩa, nhu cầu sử dụng của bà con thì nhiều nhưng công ty đang phải hoàn toàn chủ động về vốn về nhà xưởng để sản suất cũng như thương mại hóa sản phẩm để đưa ra thị trường. Do đó, anh Nghĩa rất mong được sự quan tâm giúp đỡ của Bộ Khoa học và Công nghệ, các cấp ngành tạo điều kiện thuê mặt bằng để công ty mở rộng sản xuất kịp thời phục vụ bà con.
Hiện, Việt Nam có khoảng hơn 90 triệu dân, trong đó có tới 70% là nông dân. Tỷ lệ cơ giới hóa trong nông nghiệp tại Việt Nam vẫn ở mức thấp, lao động chân tay vẫn là chủ yếu. Chiếc máy cấy lúa động cơ điện Đại Nghĩa có thể xem như một giải pháp hữu hiệu giúp bà con, nhất là vùng dân tộc đồng bào còn khó khăn, có thể bước đầu cơ giới hóa, tăng năng suất lao động và thu nhập./.