Nông nghiệp là mảng khởi nghiệp triển vọng, nhưng không đơn giản. Sự sống còn của các start-up nông nghiệp đều phải dựa vào thị trường.
Vấn đề của người nông dân không chỉ là công nghệ
Cuối năm 2018, trước hội đồng chuyên môn và các nhà đầu tư, dự án khởi nghiệp tiềm năng Mr Farm Agriculture do Phạm Cao Kỳ sáng lập kêu gọi đầu tư 2 tỷ đồng, đổi lấy 5% cổ phần Công ty.
Mr Farm Agriculture là công ty chuyên cung cấp sản phẩm và giải pháp toàn diện về nông nghiệp thông minh. Sản phẩm của Mr Farm Agriculture giúp các hộ nông dân chuẩn hóa quy trình trồng nông sản (chế độ tưới tiêu thích nghi theo thời tiết, chăm sóc, bón phân chính xác từ giai đoạn cây con đến khi thu hoạch), tự động hóa hoàn toàn khâu nuôi trồng suốt mùa vụ, chống trộm qua điện thoại…
Không chỉ cung cấp sản phẩm, Mr Farm Agriculture còn tư vấn giải pháp, cách xử lý vấn đề khi hộ dân gặp sự cố về cây bệnh hay bọ phấn, đảm bảo đầu ra chất lượng cho hộ dân.
Nhắm đến phân khúc dân dụng với các trang trại có diện tích từ 2 – 10 ha, vốn đầu tư dưới 500 triệu đồng, Phạm Cao Kỳ ước tính tỷ suất sinh lợi của Mr Farm Agriculture đạt 19 – 27% tùy theo dự án và kỳ vọng chiếm 1,2% thị trường mục tiêu trong vòng 2 năm. Tháng 4/2018, Mr Farm Agriculture bán 1/4 cổ phần cho một đối tác cá nhân và một công ty phân bón, đồng thời cũng là đối tác phân phối sản phẩm.
Tuy nhiên, tại sự kiện kêu gọi vốn đầu tư nói trên, nhà đầu tư cho rằng, sản phẩm của Mr Farm Agriculture nên kiểm nghiệm ở chỗ nào đó trồng rau quả, so sánh kết quả để thuyết phục khách hàng. Ngoài ra, vấn đề của người nông dân không chỉ là công nghệ, mà còn là thị trường. Vì vậy, để tồn tại và phát triển bền vững, các dự án nông nghiệp đều phải dựa vào thị trường.
Liên kết để tạo chuỗi giá trị hàng hóa
Mr Farm Agriculture là một trong khá nhiều dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp xuất hiện thời gian qua và phần nào có được vị thế, nhưng độ gây tiếng vang so với các dự án trong lĩnh vực công nghệ còn thua xa.
Đến nay, cũng chưa có nhiều dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp hấp dẫn, thu hút nhà đầu tư. Lý do được các nhà đầu tư giải thích là, những dự án này chủ yếu được các bạn trẻ lập ra một cách tự phát, chưa theo nhu cầu thị trường, chưa áp dụng rộng rãi các công nghệ về AI, IoT. Chính những hạn chế này khiến tỷ lệ các quỹ đầu tư đổ vào lĩnh vực này chỉ chiếm 5 – 10%.
Ngoài ra, khi rót vốn vào start-up trong lĩnh vực nông nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài còn yêu cầu dự án có nhiều người đồng sáng lập và quyết tâm đi đến cùng, sản lượng ổn định… Trong khi, tại Việt Nam chưa có nhiều start-up đáp ứng đủ các yếu tố đó.
Theo ông Trần Bằng Việt, Tổng giám đốc Dong A Solutions, khởi nghiệp nông nghiệp là khó nhất, dài hơi nhất, đắt nhất và phức tạp nhất, nhưng “đau lòng” nhất là sản phẩm đưa ra thị trường lại bị trộn lẫn giữa tốt và không tốt, thật và không thật hay chỉ gần như thật. Vì thế, chi phí bỏ ra để thuyết phục người tiêu dùng rất lớn.
Tuy nhiên, ông Việt cũng cho rằng, cùng với giáo dục và y tế, nông nghiệp là mảng khởi nghiệp rất triển vọng.
Với các nhà đầu tư nói chung, thường có 4 tiêu chí để đánh giá một start-up nông nghiệp, đó là: giải pháp giải quyết vấn đề nào của thị trường, độ lớn của thị trường chấp nhận giải pháp đó, lợi thế cạnh tranh so với nhóm khác, cách thức tổ chức phân nhóm và vận hành.
Ngoài ra, muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp thành công, các start-up phải có sự liên kết, tạo thành một hệ sinh thái hay một chuỗi giá trị hàng hóa chặt chẽ. Đây là điểm khác biệt so với các lĩnh vực start-up khác và cũng là điểm yếu mà các start-up nông nghiệp tại Việt Nam cần cải thiện.
Theo: baomoi.com