Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh theo dõi, tạo điều kiện cho khởi nghiệp thành công.

Trước đó, báo chí có nêu nội dung “Phong trào khởi nghiệp phát triển rất nhanh, đi đến “làn sóng thứ 3″ của công nghệ Deep Tech… Khái niệm Deep Tech là các công ty công nghệ nghiên cứu và phát triển sản phẩm ở trình độ nghiên cứu khoa học cao với các bằng sáng chế. Theo các chuyên gia, những ngành có khả năng ứng dụng Deep Tech cao tại Việt Nam gồm nông nghiệp, tiêu dùng, dịch vụ, y tế… nhờ lợi thế về dân số và tốc độ thích ứng công nghệ khá nhanh”. Hay như nội dung: “Trang mạng Techinasia đánh giá, Việt Nam sở hữu một trong những hệ sinh thái khởi nghiệp tăng nhanh nhất thế giới, gần đuổi kịp tốc độ tăng trưởng khởi nghiệp của Singapore và Indonesia, những nước dẫn đầu ASEAN. Việt Nam có lợi thế với nhiều tài năng công nghệ cao giá rẻ, ước tính đứng trong Top 3 thế giới về số kỹ sư trong 5 năm nữa”.

Liên quan đến những nội dung nêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tiếp tục theo dõi, tạo điều kiện cho khởi nghiệp thành công.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Thanh Niên

Trước đó, khi phát biểu tại Hội nghị Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam 2019, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, với quyết tâm và sự ủng hộ của Chính phủ, trong thời gian qua, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đã được quan tâm phát triển mạnh cả về chính sách, hạ tầng, thiết chế tài chính và dịch vụ hỗ trợ cùng với văn hóa khởi nghiệp sáng tạo ngày càng được khuyến khích mạnh mẽ trong giới trẻ.

Với vai trò điều phối, tạo dựng hành lang pháp lý và các cơ chế chính sách hỗ trợ, từ năm 2009, Chính phủ Việt Nam, trực tiếp là Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những nỗ lực bước đầu trong xây dựng nền tảng cho hệ sinh thái.

Điển hình là Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP) là chương trình hợp tác phát triển giữa hai Chính phủ Việt Nam và Phần Lan do Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam được giao chủ trì thực hiện, đã đi tiên phong trong việc thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ngay từ khi “đổi mới sáng tạo”, “khởi nghiệp sáng tạo” và “hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo” còn là các khái niệm rất mới mẻ ở Việt Nam.

Tháng 5/2013, Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt Đề án Thương mại hóa công nghệ theo mô hình thung lũng Silicon tại Việt Nam (VSV – Vietnam Silicon Valley). Đây là sáng kiến ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với mô hình học tập từ Hoa Kỳ, giúp doanh nghiệp khởi nghiệp lên kế hoạch kinh doanh, kết nối với khách hàng lẫn nhà đầu tư tiềm năng, nhận được vốn tài trợ để biến những ý tưởng của họ thành hiện thực.

Với Đề án này, lần đầu tiên có một chương trình, khóa học “tăng tốc khởi nghiệp” hoạt động như một “vườn ươm” giúp đỡ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Ngay từ năm đầu tiên, vườn ươm này đã ươm tạo được 9 startup, gọi được vốn thành công từ các nhà đầu tư. Sau 5 năm, VSV đã phát triển mạng lưới ra nhiều tỉnh thành trên cả nước, thu hút và ươm tạo thành công hàng chục doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tỉ lệ gọi vốn thành công của các doanh nghiệp sau thời gian ươm tạo từ VSV đạt tới trên 35%, một số doanh nghiệp thành công nổi bật có thể kể tới như Lozi, SchoolBus…

Ngoài ra, Bộ KH&CN còn triển khai một số chương trình, đề án nổi bật khác như Dự án BIPP tài trợ bởi chính phủ Bỉ, hỗ trợ các vườn ươm khởi nghiệp, Dự án VCIC tài trợ bởi World Bank, Chính phủ Australia, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu.

Năm 2016, Chính phủ giao cho Bộ KH&CN và các bộ ngành triển khai Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844), đánh dấu một động thái quyết liệt hơn của Chính phủ để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Tiếp theo đó là sự ra đời của các Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Đề án 1665), Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” (Đề án 939).

Về chính sách của nhà nước để hỗ trợ cho khởi nghiệp sáng tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp tham mưu, xây dựng Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 và các văn bản hướng dẫn với các nội dung:

(i) hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo bằng việc miễn, giảm thuế, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và các khoản khác phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật;

(ii) Quy định việc hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo về cơ sở vật chất, đào tạo – huấn luyện, thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực…;

(iii) Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn từ khoản thu nhập từ khoản đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo;

(iv) Quy định chi tiết về việc thành lập quỹ đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo và việc sử dụng ngân sách Nhà nước đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo; về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một số cơ chế hỗ trợ khác cũng được quy định trong Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 và các văn bản hướng dẫn.

Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã xin ý kiến các Bộ, ngành rà soát và xem xét trình cấp có thẩm quyền các nội dung ưu đãi cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo theo hướng bãi bỏ thủ tục tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong trường hợp việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp không làm tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp hoặc trong các lĩnh vực đã được cấp phép trước đây hoặc lĩnh vực mà luật pháp Việt Nam không hạn chế hoặc cấm.

Với nỗ lực tham gia của các thành phần, đặc biệt sự gắn kết tương đối chặt chẽ của cả khu vực công và khu vực tư nhân, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam hiện được đánh giá là một trong những hệ sinh thái năng động và phát triển nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam thời gian qua đã có những bước phát triển mạnh. Ảnh minh họa

Theo báo cáo của TOPICA năm 2018, các khoản đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam đạt 889 triệu USD, cao gấp 3 lần so với năm 2017, khoảng 291 triệu USD.

Riêng đối với đầu tư vào khởi nghiệp giai đoạn đầu (early stage investment, i.e. “Seed” or “Series A” investment), báo cáo của KrAsia, Bain&Co cho thấy Việt Nam đã thu hút khoảng 150 triệu USD đầu tư trong năm 2018, gấp đôi của năm 2017. Dự kiến trong các năm tới, các startups giai đoạn đầu của Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút những khoản đầu tư lớn với ước tính của các năm 2019, 2020 và 2021 lần lượt là 205 triệu USD, 320 triệu USD và 440 triệu USD.

Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam trong những năm vừa qua đã tăng trưởng hết sức ấn tượng cả về số lượng và chất lượng. Nếu năm 2012, Việt Nam có khoảng 400 công ty khởi nghiệp, thì năm 2015 đã tăng hơn 4 lần, đạt 1.800 startup. Trong hai năm 2017-2018 đã phát triển mạnh mẽ với con số hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp.

Hiện nay, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đang phát triển với hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động, tăng gấp đôi so với 2015. Nhiều tập đoàn lớn trong nước đã tham gia vào đầu tư mạo hiểm như FPT, Viettel, Vingroup, CMC, CenGroup … Cùng với đó là hơn 40 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh và 60 khu không gian làm việc chung trên cả nước.

Năm 2018, nhiều tập đoàn lớn tăng cường đầu tư cho hệ sinh thái khởi nghiệp. Tập đoàn Vina capital đã thành lập Quỹ Đầu tư Vinacapital Ventures (100 triệu USD); Vingroup thành lập Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp và Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu khoa học công nghệ có mức đầu tư 2.000 tỷ đồng, Quỹ Đầu tư mạo hiểm có mức 300 triệu USD để hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo đột phá về công nghệ…

Theo: vietq.vn