Hành lang pháp lý để thúc đẩy hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) tiếp tục được quan tâm hoàn thiện; tiếp tục đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm và trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh; thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia để phát triển mạnh lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng nhanh…
Đó là một số hoạt động nổi bật trong năm 2019 nhằm thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN.
Quan tâm phát triển thị trường KH&CN
Thông tin từ Hội nghị tổng kết công tác ngành KH&CN năm 2019 và triển khai công tác năm 2020 diễn ra tại Hà Nội mới đây cho biết, năm 2019, hành lang pháp lý để thúc đẩy hình thành và phát triển doanh nghiệp KH&CN tiếp tục được quan tâm hoàn thiện. Nghị định số 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp KH&CN được Chính phủ ban hành có nhiều quy định nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đăng ký công nhận doanh nghiệp KH&CN, chuyển từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm trong việc đánh giá hồ sơ đăng ký, cụ thể hóa quy trình thủ tục tiếp cận chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đăng ký công nhận doanh nghiệp KH&CN.
Số lượng các doanh nghiệp KH&CN đăng ký và được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN có xu hướng gia tăng nhanh, đặc biệt ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Hiện nay, cả nước có 480 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, tăng 114 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2018. Năm 2019, có 39 tổ chức, doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao và 24 tổ chức, doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận hoạt động ứng dụng công nghệ cao.
Về phát triển các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN, các tổ chức dịch vụ tư vấn, giám định, thẩm định, đánh giá, ươm tạo, môi giới chuyển giao công nghệ tiếp tục được khuyến khích hình thành và phát triển. Đến nay, cả nước có 15 sàn giao dịch công nghệ, 50 vườn ươm công nghệ, 186 tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp. Mạng lưới các trung tâm ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế – xã hội ở 63 tỉnh, thành phố cũng được đầu tư nâng cấp. Năm 2019, Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN các địa phương thực hiện 2.828 hợp đồng tư vấn, chuyển giao công nghệ với giá trị khoảng 59 tỷ đồng.
Cùng với việc phát triển các tổ chức trung gian truyền thống, việc phát triển các tổ chức trung gian kiểu mới cũng đang được quan tâm. Cả nước hiện có 23 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, trong đó có nhiều tổ chức ở khu vực tư nhân, hoạt động tương đối hiệu quả, tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ. Hình thức tổ chức không gian làm việc chung được hình thành là mô hình khá mới đã góp phần thúc đẩy hiệu quả kết nối trong cộng đồng khởi nghiệp. Hiện nay, cả nước có khoảng 170 khu làm việc chung, chủ yếu ở khu vực tư nhân, tập trung ở các thành phố lớn gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ.
Đẩy mạnh kết nối cung – cầu công nghệ
Trong năm 2019, các hoạt động kết nối giữa các bên cung, cầu công nghệ tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh thông qua hoạt động kết nối cung cầu công nghệ (Techdemo), chợ công nghệ và thiết bị (Techmart), chợ công nghệ và thiết bị trực tuyến (Techmart online) và Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest). Sự kiện Techdemo 2019 được tổ chức tại tỉnh Gia Lai đã tạo sự lan tỏa, thu hút hoạt động đầu tư của doanh nghiệp vào đổi mới công nghệ.
Techmart – Techfest Mekong 2019 được tổ chức tại Cần Thơ là nơi hội tụ công nghệ và doanh nghiệp
Bên cạnh các Techfest địa phương, vùng, năm 2019, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các đối tác tổ chức thành công Techfest Hoa Kỳ, Techfest Hàn Quốc, Techfest Singapore để kết nối cộng đồng khởi nghiệp trong nước với quốc tế. Techfest Việt Nam 2019 được tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh với sự tham gia của đại diện Diễn đàn sáng tạo toàn cầu, Giải khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu và hơn 100 quỹ đầu tư, nhà đầu tư quốc tế, hơn 120 diễn giả có uy tín trong các lĩnh vực công nghệ, gần 300 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong nước và nước ngoài, thu hút hơn 6.500 lượt người tham dự các hội thảo, diễn đàn.
Triển lãm quốc tế về công nghệ thí nghiệm, phân tích, chẩn đoán và công nghệ sinh học (Analytica Vietnam 2019) đã thu hút được hơn 143 đơn vị trưng bày đến từ 15 quốc gia với hơn 4.100 lượt khách tham quan. Chuỗi sự kiện Chợ công nghệ – thiết bị và Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Techmart-Techfest Mekong 2019) được tổ chức tại thành phố Cần Thơ để tạo môi trường gắn kết KH&CN với sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và các thành tựu KH&CN vào sản xuất và đời sống. Techmart online ngày càngthu hút sự quan tâm của cộng đồng khoa học và doanh nghiệp.
TechDemo 2019 được tổ chức tại Gia Lai đã có 2.600 nguồn cung công nghệ được cung cấp
Về hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, Bộ KH&CN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 để tiếp tục lan rộng phong trào khởi nghiệp sáng tạo trong cả nước; phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thiện Thông tư hướng dẫn tài chính triển khai Đề án. Đặc biệt, ngày 17/5/2019, Abivin – startup cung cấp phần mềm quản lý chuỗi cung ứng tối ưu vận tải, đại diện của Việt Nam thắng cuộc từ Techfest Việt Nam 2018, đã vinh dự vượt qua hơn 40 quốc gia trên thế giới để trở thành quán quân của Startup World Cup (San Francisco, Hoa Kỳ) giành giải thưởng 1 triệu đô la Mỹ.
Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã phối hợp với các bộ, cơ quan và đối tác nước ngoài nghiên cứu, xây dựng các mô hình để hỗ trợ hiệu quả hoạt động khởi nghiệp sáng tạo: Phối hợp với Công ty Ericsson (Thụy Điển) thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo về Internet vạn vật đặt tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc để hỗ trợ nền tảng sáng tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ học tập, giáo dục và nghiên cứu, phát triển về Internet vạn vật; xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển Trung tâm khởi nghiệp quốc gia, tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng và Mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia.
Năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Để góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ công tác năm 2020 và kế hoạch 5 năm 2016-2020, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương triển khai các nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó có thực hiện đồng bộ các giải pháp về kinh tế, thương mại, đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh để kích cầu công nghệ và nhu cầu đổi mới sáng tạo từ khu vực doanh nghiệp. Tăng cường năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp thông qua việc tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp đầu tư lập quỹ phát triển KH&CN, thành lập viện nghiên cứu, doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Tăng cường hợp tác công tư trong triển khai các dự án công nghệ quy mô lớn và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.
Cùng với đó là, tiếp tục thúc đẩy gắn kết, hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với khu vực công nghiệp và doanh nghiệp để đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh.
– Techdemo 2019: 370 nhu cầu công nghệ đã được tiếp nhận và xử lý; thông tin về 2.600 nguồn cung công nghệ đã được cung cấp; các bên tham gia kết nối đã trao đổi, thống nhất 12 biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác chuyển giao công nghệ với tổng giá trị trên 500 tỷ đồng, có — 10 dự án được giao quyết định chủ trương đầu tư và trao ghi nhớ đầu tư của tỉnh Gia Lai với tổng kinh phí là: 19.928 tỷ đồng – Techfest Việt Nam 2019: có hơn 250 cuộc kết nối gọi vốn đầu tư với tổng mức vốn quan tâm đầu tư hơn 14 triệu đô la Mỹ – Techmart-Techfest Mekong 2019: đã tiếp nhận và xử lý 370 nhu cầu công nghệ; cung cấp thông tin 2.600 nguồn cung công nghệ; các bên tham gia kết nối cung cầu đã trao đổi, thống nhất được 12 biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác chuyển giao công nghệ với tổng giá trị trên 500 tỷ đồng Số lượng truy cập vào Techmart online tính đến thời điểm hiện tại là 65.415.190 lượt |
Truyền thông Chương trình 2075