Từ hộp thư điện tử, camera giao thông đến giáo dục, công nghệ trí tuệ nhân tạo đã hiện diện trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống.
Trí tuệ nhân tạo (AI) còn tương đối xa lạ với nhiều người. Tuy nhiên, theo ông Tạ Hải Tùng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và truyền thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội, AI đang ở ngay xung quanh chúng ta, hỗ trợ âm thầm trong cuộc đời sống hàng ngày.
“Hiểu một cách đơn giản, AI làm cho các hệ thống thông minh hơn, đáp ứng đa dạng nhu cầu của người dùng”, ông Tùng nói tại buổi họp báo trước thềm sự kiện AI4VN, diễn ra sáng 31/7 tại Hà Nội. Trong xu thế chuyển đổi số, sự xuất hiện của AI kết hợp cùng dữ liệu lớn (Big Data) tạo ra nhiều giá trị gia tăng, tiện lợi trong tương lai.
Buổi họp báo Ngày Hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam tại Bộ Khoa học và Công nghệ sáng 31/7.
Với sự phát triển của các dịch vụ số hiện tại, người dùng nhiều khi đã tiếp xúc với công nghệ AI nhưng không nhận ra. Ví dụ, khoảng 5 năm trước, hòm thư điện tử của người dùng luôn đầy thư rác (spam mail), gây ra nhiều phiền toái. Tuy nhiên, nhờ các thuật toán, học theo hành vi dùng mail, vấn đề này đã được giải quyết gần như triệt để, đơn cử ở ứng dụng Gmail.
Ông Lê Hồng Việt, Giám đốc công nghệ FPT cho biết công ty có khoảng 5 triệu lượt sử dụng dịch vụ AI trong nhiều lĩnh vực khác nhau mỗi tháng, trong đó lượng để hỗ trợ khách hàng là một triệu. “Nhu cầu sử dụng các dịch vụ ứng dụng AI đang tăng trưởng mạnh, cho thấy AI đang dần len lỏi vào cuộc sống của người Việt”, ông Việt cho biết.
Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Hiện tại, lĩnh vực giáo dục có những hệ thống ứng dụng AI để đồng hành, hỗ trợ từng học viên. Nhờ đó, công việc của các giáo viên trở nên dễ thở hơn, khi trong mỗi lớp có tới 50, 60 học viên. Xe tự lái bằng AI tự động tránh người, tự động tránh vật cản đang được khu đô thị Ecopark sử dụng.
AI cũng đang hỗ trợ đắc lực ở lĩnh vực giao thông. Tại TP HCM, AI giúp giám sát camera giao thông, điều chỉnh tín hiệu đèn. Còn trên phạm vi toàn quốc, hệ thống giám sát hành trình do Tổng cục đường bộ đặt hàng hiện theo dõi khoảng một triệu xe khách, xe kinh doanh vận tải. Đây là hệ thống giám sát hành trình có phạm vi lớn nhất thế giới, ông Tạ Hải Tùng cho hay. Nếu không có sự hỗ trợ của AI, việc giám sát này sẽ trở nên bất khả thi.
Với tiềm năng lớn của AI, sự kiện Ngày hội AI4VN được kỳ vọng là dấu mốc giúp hình thành cộng đồng trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam. Theo ông Tạ Hải Tùng, chỉ có thể bằng hình thức cộng đồng, Việt Nam mới có thể phát triển được mạng lưới ứng dụng AI mạnh của người Việt, đủ sức “đấu lại” với những ứng dụng của nước ngoài.
Theo đó, Ngày hội AI4VN sẽ tạo động lực thúc đẩy sự lan tỏa và phát triển công nghệ AI cho Việt Nam thông qua kết nối các bên trong hệ sinh thái từ viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ, startup đến cộng đồng AI. Sự kiện nhằm mục tiêu thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng công nghệ AI trong nhiều ngành kinh tế – hội trọng yếu của Việt Nam như y tế, giáo dục, kinh doanh, thương mại, tài chính, nông nghiệp…
“Tại Việt Nam, nhiều cộng đồng AI đã hình thành, phần lớn do tư nhân tự làm. Các tập đoàn lớn như FPT, Vingroup, CMC đang nghiên cứu, phát triển AI phục vụ các sản phẩm khoa học công nghệ. Tuy nhiên, các cộng đồng AI hiện chưa kết nối với nhau. Hy vọng Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam có thể là nơi kết nối các đơn vị với nhau, chia sẻ dữ liệu để cùng phát triển”, ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ nói tại sự kiện.
Với chủ đề “Đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái Trí tuệ nhân tạo”, chương trình diễn ra theo mô hình mở, là nơi kết nối và tụ hội của các thành tố trong cộng đồng AI, dự kiến thu hút 2.000 người tham dự.
Sự kiện sẽ diễn ra tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, số 1 Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội trong hai ngày 15 và 16/8. Chương trình do Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại học Bách Khoa Hà Nội cùng VnExpress tổ chức.
Theo: vnexpress.net