Thời gian qua, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo (KNST) ở Việt Nam có bước phát triển mới về chính sách, hạ tầng, nguồn vốn và tài chính. Ðể các doanh nghiệp KNST tăng trưởng nhanh, cần phát triển hệ sinh thái KNST năng động với sự liên kết và hợp tác chặt chẽ của nhiều yếu tố.

 

Các bạn trẻ làm việc tại không gian khởi nghiệp BK – Holdings (Trường đại học Bách khoa Hà Nội). Ảnh: ÐĂNG ANH

Trong xu thế phát triển của khoa học và công nghệ (KH và CN) toàn cầu, hoạt động KNST đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh để bảo đảm sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Hoạt động KNST cần được ươm tạo, nuôi dưỡng và phát triển trong một hệ sinh thái thuận lợi, trong đó, Chính phủ đóng vai trò kiến tạo thông qua các chính sách hỗ trợ phù hợp, nguồn lực tài chính đến từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần, trường đại học cung cấp nguồn ý tưởng và nhân lực khởi nghiệp chất lượng cao. Xây dựng, phát triển hệ sinh thái KNST năng động có khả năng liên kết giữa các thành tố nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp KNST là yêu cầu bức thiết hiện nay.

Ngay từ năm 2009, Bộ KH và CN đã bước đầu xây dựng nền tảng cho hệ sinh thái KNST, bắt đầu từ Chương trình Ðối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP). Các khái niệm “đổi mới sáng tạo”, “khởi nghiệp sáng tạo” và “hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo” khi ấy còn mới mẻ ở Việt Nam. Chương trình IPP đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng các chính sách về đổi mới sáng tạo và KNST; bồi dưỡng năng lực về quản trị KNST cho hàng trăm cán bộ quản lý ở các bộ, ngành và địa phương; đào tạo giảng viên nguồn về đổi mới sáng tạo và KNST cho hơn 50 trường đại học trong nước; kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam với hệ sinh thái khởi nghiệp một số nước trên thế giới. Chương trình đã triển khai thành công mô hình tài trợ cho các doanh nghiệp KNST có tiềm năng. Một trong những “quả ngọt” là doanh nghiệp Abivin vừa giành giải thưởng khởi nghiệp sáng tạo thế giới ở Mỹ, với mức thưởng một triệu USD đầu tư. Trong giai đoạn khởi nghiệp ban đầu, nhóm đã được IPP hỗ trợ về tài chính, đào tạo khởi nghiệp. Một trong những yếu tố thành công của Abivin là có sự hỗ trợ của Bộ KH và CN trong việc giới thiệu các chuyên gia, cố vấn, kết nối Abivin với hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước và quốc tế. Từ thành công của Abivin cho thấy, vai trò “bà đỡ” của Chính phủ vô cùng quan trọng đối với các doanh nghiệp KNST để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu, giúp những ý tưởng khởi nghiệp thành hiện thực.

Bên cạnh đó, Bộ KH và CN đã xây dựng, triển khai các chương trình, đề án nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp KNST, như: Thương mại hóa công nghệ theo mô hình thung lũng Silicon tại Việt Nam; Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025; Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025… Bộ trưởng KH và CN Chu Ngọc Anh cho biết, để hỗ trợ KNST, Bộ đã phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp KNST, như: Miễn, giảm thuế thu nhập; bãi bỏ thủ tục đăng ký góp vốn; thành lập quỹ đầu tư cho KNST… Hiện nay, hệ sinh thái KNST của Việt Nam được đánh giá là một trong những hệ sinh thái năng động và phát triển nhất trong khu vực Ðông – Nam Á. Theo một số nguồn thống kê uy tín từ nước ngoài, Việt Nam đang có hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp, tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và nằm trong tốp dẫn đầu thế giới về chỉ số tinh thần khởi nghiệp và thái độ tích cực đối với tiềm lực của bản thân. Ðã có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp được nhận các khoản đầu tư lớn, từ vài chục tới hàng trăm triệu đô-la Mỹ. Số lượng quỹ đầu tư, nhà đầu tư, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung cũng tăng mạnh. Nhiều trung tâm hỗ trợ KNST trong các trường đại học, viện nghiên cứu cung cấp không gian sáng tạo, đổi mới và hỗ trợ tích cực cho các nhóm KNST. Theo báo cáo của chương trình huấn luyện khởi nghiệp tại Việt Nam (Topica Founder Institutes) từ năm 2015 đến 2018, các thương vụ đầu tư vào các doanh nghiệp KNST Việt Nam không ngừng tăng về số lượng và số tiền đầu tư. Trong năm 2015, tổng số tiền đầu tư trong các thương vụ là 136 triệu USD, đến năm 2018, tổng số tiền đầu tư mà các doanh nghiệp KNST Việt Nam nhận được là 889 triệu USD.

Tuy hệ sinh thái KNST bước đầu đã có những kết quả ấn tượng, nhưng để khai thác được tiềm năng thì cần tiếp tục xây dựng và phát triển mạng lưới kết nối khởi nghiệp ở quy mô quốc gia và quốc tế. Ðồng thời thúc đẩy hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo trên toàn quốc và có những phương án hỗ trợ doanh nghiệp KNST phát triển và hoàn thiện công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Bên cạnh đó, cần có những hoạt động kết nối, tạo ra những thương vụ đầu tư quốc tế nhằm phát triển kiến thức, kinh nghiệm hoạt động và thu hút được nguồn vốn đầu tư vào các ý tưởng, công nghệ mới của người Việt.

Theo: nhandan.com.vn