Vấn đề liên kết chuyển giao tri thức, kết quả nghiên cứu giữa các nhà khoa học, viện/trường cho các doanh nghiệp là yếu tố quyết định giúp phát triển thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN).
Đây là nội dung được các đại biểu quan tâm tại diễn đàn “Mô hình liên kết thúc đẩy và phát triển thị trường KH&CN” được tổ chức tại Hà Nội vào sáng 30/8/2018, dưới sự chủ trì của Bộ KH&CN và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, sự phối hợp tổ chức giữa Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (NATEC), Viện Phát triển doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam- VCCI), iBosses Việt nam, VAG, Tập đoàn Kangaroo.
Để góp phần phát triển thị trường KH&CN, tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần tham gia thị trường, các hoạt động liên kết và xúc tiến phát triển thị trường KH&CN nhằm thúc đẩy các hoạt động thương mại hóa công nghệ, tài sản trí tuệ là rất quan trọng. Hiện nay, những mô hình về tổ chức trung gian đang tạo nên những cơ hội để các nhà đầu tư tìm kiếm được các sáng chế, kết quả nghiên cứu có tiềm năng thương mại hóa trong mọi lĩnh vực để ứng dụng phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, hiện tại, về cơ bản môi trường pháp lý cho thị trường KH&CN đã được hoàn thiện nhưng chưa thực sự đầy đủ và đáp ứng được như mong muốn của các bên tham gia vào thị trường KH&CN, sự kết nối giữa các nhà khoa học của Viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp KH&CN với cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, phân phối, thương mại hiện còn hạn chế. Tổ chức trung gian chưa đủ mạnh để cung cấp các dịch vụ kết nối, hỗ trợ bên cung, bên cầu và các bên khác trong các giao dịch liên quan đến công nghệ, tài sản trí tuệ. Các sàn giao dịch công nghệ hoạt động chưa thực sự hiệu quả, chưa khẳng định được vai trò là đầu mối trong việc thu hút, tập hợp công nghệ trong nước và quốc tế.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, Diễn đàn là nơi chia sẻ cởi mở và thảo luận sâu sắc về những vấn đề thực tế đang vướng mắc để có được những tư vấn từ các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế để có những giải pháp cụ thể cho từng mô hình của các chuyên gia nước ngoài. Qua đó, sẽ có sự cam kết cộng tác và thực hiện của các bên tham gia phát triển thị trường KH&CN.
Trao đổi tại Diễn đàn, Chủ tịch VCCI, TS. Vũ Tiến Lộc cho biết: theo kết quả khảo sát của VCCI năm 2016, có đến gần 60% doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo đang sử dụng các công nghệ có tuổi đời trên 6 năm. Các công nghệ của các doanh nghiệp đến chủ yếu từ các nước đang phát triển (chiếm khoảng 65%), trong đó có tới 26,6% công nghệ có xuất xử từ Trung Quốc. Tỷ lệ các công nghệ có xuất xứ từ các nước phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản hay EU chỉ chiếm khoảng 32% trong đó có trên 18% là công nghệ trước năm 2005.
“Những con số trên đã cho thấy phần nào thực trạng trình độ công nghệ, máy móc thiết bị của các doanh nghiệp trong các ngành chế biến chế tạo của Việt Nam và sự cần thiết phải thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ của doanh nghiệp” – TS. Vũ Tiến Lộc cho biết.
Như vậy, đổi mới công nghệ là đòi hỏi cấp thiết trong bối cảnh hội nhập quốc tế và đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam. Rất nhiều các doanh nghiệp đã nhận thức được vấn đề này nên đã và đang triển khai các hoạt động để đổi mới công nghệ. Để thực hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, Bộ KH&CN đã có nhiều các chương trình, dự án hỗ trợ nghiên cứu KH&CN.
Theo kết quả khảo sát đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp thuộc dự án FIRST-NASATI thực hiện mới đây, có tới gần 85% các doanh nghiệp tự thực hiện các hoạt động nghiên cứu phát triển để có được các sản phẩm mới, chỉ có gần 14% các doanh nghiệp đã phối hợp với các đơn vị bên ngoài để triển khai nghiên cứu đổi mới sản phẩm. Còn để đổi mới quy trình, chủ yếu các doanh nghiệp thực hiện thông qua phương thức đầu tư vào công nghệ mới hay nâng cấp/chỉnh sửa công nghệ hiện tại, trong khi các hoạt động chuyển giao từ các tổ chức KH&CN đến doanh nghiệp lại rất thấp (dưới 1%).
Điều này cho thấy sự liên kết giữa doanh nghiệp (bên cầu trong thị trường KH&CN) với các viện trường, các nhà khoa học (bên cung) vẫn còn rất hạn chế. Mặc dù câu chuyện “gắn kết giữa các nhà khoa học với doanh nghiệp” đã được đề cập nhiều trong các diễn đàn, hội thảo khác nhau, tuy nhiên vẫn còn một khoảng cách không nhỏ giữa nhu cầu đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp với các kết quả nghiên cứu khoa học của các viện/trường.
Vì vậy, vấn đề liên kết chuyển giao tri thức, kết quả nghiên cứu giữa các nhà khoa học, viện/trường cho các doanh nghiệp là yếu tố quyết định giúp phát triển thị trường KH&CN, nhằm nâng cao trình độ KH&CN ở Việt Nam.
Với vai trò là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, VCCI trong thời gian qua đã có nhiều hoạt động nhằm giúp doanh nghiệp cập nhật, đổi mới công nghệ thiết bị. Thông qua chương trình hợp tác với Bộ KH&CN, từ năm 2007 tới nay, VCCI đã tổ chức hơn 60 chương trình hội thảo/diễn đàn nhằm phổ biến thông tin công nghệ, kết nối nhu cầu công nghệ cho các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực. VCCI đã giới thiệu/kết nối/chuyển giao công nghệ từ các Viện nghiên cứu/trường Đại học trong nước như Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội… đến công nghệ của các Tập đoàn Đa quốc gia cho các doanh nghiệp Việt Nam.
“Trong thời gian tới, để đưa sản phẩm KH&CN gắn trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cần có một mô hình chuỗi liên kết cụ thể, đi vào chiều sâu, phát huy tối đa vai trò của các nhân tố trong thị trường KH&CN như các các tổ chức viện, trường, tổ chức trung gian, doanh nghiệp và doanh nghiệp KH&CN. VCCI mong muốn sẽ thành lập được một hiệp hội tập hợp các doanh nghiệp KH&CN, các tổ chức trung gian giúp phát triển thị trường KH&CN”, TS.Vũ Tiến Lộc khẳng định.
Tại Diễn đàn đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác giữa Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN và Tập đoàn EON reality Inc về mảng Công nghệ VR &AR (công nghệ thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường).